.

Đàn ông… yếu đuối?

Cập nhật: 15:16, 05/07/2024 (GMT+7)

Trên đời này, có những câu chuyện khi thoạt nghe qua, ta răm rắp tin ngay. Điều này ít nhiều cho thấy con người ta vốn cả tin, sở dĩ như thế chỉ vì không xem xét chu đáo ở nhiều góc độ. Chẳng hạn thời gian gần đây nhiều cơ quan truyền thông la toáng lên, đại loại, ngày càng nhiều nam giới bị bạo lực gia đình, đã thế ngày càng tăng. Trong năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ. Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước”.

Mà, bạo lực này là những gì?

Có ý kiến cho rằng, đại khái bị vợ chì chiết, mắng mỏ, than vãn về lương, về thu nhập, về trách nhiệm với con cái trong gia đình… Ơ hay, ấy là bạo lực ư? Tôi cứ tưởng cũng giống như người đàn bà đã bị chồng “thượng cẳng ta hạ chẳng chân”, đánh thừa sống thiếu chết, phải nhập viện… chứ!

Khi người vợ cằn nhằn như thế là họ có quyền như thế, bởi đã đàn ông vốn trụ cột trong nhà thì phải gánh vác phận sự trong nhà, chứ còn ai vào đây nữa? Vậy, người vợ có lý của mình, chứ nào phải ngẫu nhiên, ngẫu hứng? Quan điểm của tôi, tất cả áp lực ấy còn là động lực thúc đẩy cho người đàn ông phải “trưởng thành” hơn, có trách nhiệm nhiều hơn. Mà, sự chì chiết ấy ở người vợ là chỉ vì họ, vì thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân họ? Không, tất cả cũng vì “nhà mình”, “vợ chồng con cái mình” đấy thôi.

Rồi sau những cái mà người chồng gọi là “bạo lực” ấy, ai là người phải vun vén, quán xuyến cửa nhà? Người vợ. Ai là người phải cơm nước mỗi ngày? Người vợ. Ai là người phải chu toàn hậu cần cho giỗ quẩy, ngày lễ, ngày tết? Người vợ. Ai là người “đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Người vợ. Hàng trăm thứ hằm bà lằng xắn cấu trong nhà, người vợ cũng đều để tai để mắt đến. Thế thì sự chì chiết của họ có là gì không?

Có một điều rất đáng phàn nàn, về dư luận nói chung khi bình luận về vấn để “người đàn ông bị bạo lực ngày càng gia tăng”, hầu hết có ý kiến cho rằng, đó là do… tác động của bình đẳng giới. Nghe cứ như đùa. Vì nhờ thế người phụ nữ ngày càng ý thức hơn về quyền, nghĩa vụ của mình nên đã khiến đàn ông cảm thấy mình bị bạo lực về điều đó. Nói như thế khôi hài lắm, một sự võ đoán, không muốn nói là “chụp mũ”.

Bởi nghĩ cho cùng, một xã hội văn minh và tiến bộ còn chính là lúc đàn ông “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” phải tự giác thừa nhận quyền lợi đó của người phụ nữ. Thừa nhận như một lẽ tất yếu, rằng, khi mình đến với họ “ăn đời ở kiếp” thì đó đã điều vốn có, đã có mà mình không thế chối bỏ. Nếu chối bỏ, vậy anh cưới một ngươi đàn bà để làm gì? Là sinh con đẻ cái? Là phục vụ nhu cầu bản năng? Là người phải gánh vác tất tần tận mọi việc trong nhà?

Thật ra khi bàn về vấn đề này, chúng ta khó có thể tìm thấy “mẫu số chung” vì lẽ “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”. Nếu quả thật, tất cả những gì người vợ gây ra khiến người chồng bị tổn thương và rằng đó chính là bị bạo lực thì vẫn có cách giải quyết tốt đẹp. Nếu chọn cách im lặng hoặc tìm để bia rượu “cũng đủ lãng quên đời”, ấy chỉ là tâm thế của người chồng không bản lĩnh. Nếu chọn cách cãi cọ lại để dẫn đến cuộc khẩu chiến bất phân thắng bại cũng không phải tính cách của người đàn ông khôn ngoan.

Theo tôi, cách tốt nhất vẫn là ghi nhận tất cả, xem xét những chì chiết, cằn nhằn của vợ khiến mình bị xì-trét, bị tổn thương thì đâu là điều vợ nói đúng, đâu là chưa đúng? Rồi tự giác thay đổi hoặc trao đổi lại với vợ để tìm tiếng nói chung.

Dám nói rằng, một khi người đàn ông bị cái gọi là bạo hành thì đó cũng là lúc người vợ mong muốn mọi việc trong nhà tốt đẹp hơn, chứ không phải để “đạp đổ” những gì đang có, vốn có; còn đàn ông thì ngược lại. Vậy, đâu mới là điều đáng âu lo của vấn đề bạo lực gia đình?

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.