.

Các loại vaccine phòng bạch hầu

Cập nhật: 16:54, 12/07/2024 (GMT+7)

Tại Việt Nam hiện nay không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vaccine dạng phối hợp.

Cụ thể, trong chương trình tiêm chủng quốc gia, vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib) được dùng để tiêm cho trẻ từ 2 đến 24 tháng tuổi. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván có thể tiêm khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi. Vaccine Td phòng bệnh uốn ván và bệnh hầu tiêm cho người lớn khu vực dịch bệnh đang lưu hành.

Bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia còn có vaccine dịch vụ, bao gồm vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt - Hib - Viêm gan B (tiêm cho trẻ từ 2 đến 24 tháng tuổi).

Vaccine 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi. Đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4 đến 6 tuổi đối với những trẻ không tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

Vaccine Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vaccine này mỗi 10 năm một lần. Vaccine Boostrix còn được sử dụng cho thai phụ từ 27 đến 36 tuần thai.

Phản ứng sau tiêm

Sau khi tiêm vaccine bạch hầu, triệu chứng thường xảy ra tùy thuộc vào độ tuổi và cơ địa của người tiêm. Đối với các đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ em đến 7 tuổi, các triệu chứng sau tiêm vaccinebạch hầu có thể gặp phải bao gồm:

Đau nhức hoặc sưng tại nơi tiêm: Một số trẻ có thể trải qua đau nhức hoặc sưng nhẹ ở vùng tiêm. Thường thì triệu chứng này sẽ tự giảm mà không cần điều trị.

Sốt: Một số trẻ có thể phát sốt sau khi tiêm vaccine bạch hầu. Trẻ có thể cảm thấy nóng, đổ mồ hôi nhiều, đỏ da hoặc cảm giác khó chịu. Để giảm sốt, phụ huynh/người chăm sóc trẻ có thể sử dụng các biện pháp như giữ cho trẻ mát, cho trẻ uống nước đủ và sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ quấy khóc: Một số trẻ có thể trở nên khóc nhiều hơn thông thường sau khi tiêm. Điều này cũng được coi là một phản ứng bình thường và thường tự giảm sau một thời gian ngắn.

Ngoài ra, một số trẻ có thể cảm thấy mệt và chán ăn sau khi tiêm vaccine bạch hầu. Điều này thường chỉ là tác động tạm thời và sẽ tự giảm dần ngay sau đó vài ngày.

Đối với thanh thiếu niên và người lớn, sau tiêm vaccine bạch hầu có thể gặp phải các triệu chứng như: đau, đỏ hoặc sưng tại nơi tiêm, đây là tác dụng phụ thông thường và thường tự giảm sau một thời gian. Một số người có thể phát sốt, xuất hiện những cơn đau đầu, cảm thấy mệt buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng. Tuy nhiên, triệu chứng này không phổ biến và thường tự giảm trong thời gian ngắn.

Cách xử lý các biến chứng thường gặp sau tiêm 

Phản ứng cơ địa tại chỗ tiêm: Một số người có thể trải qua đau, đỏ, hoặc sưng tại chỗ tiêm. Đây là biểu hiện phổ biến và thường tự giảm mà không cần xử lý đặc biệt. Bạn có thể áp dụng phương pháp chườm ấm hoặc áp khăn lạnh lên vùng tiêm để giảm đau và sưng.

Sốt nhẹ: Để xử lý sốt nhẹ, bạn có thể uống nhiều nước, nghỉ ngơi và áp dụng nước ấm hoặc khăn lạnh ẩm, sạch, được vắt khô lên trán để làm giảm sốt.

Đau cơ và mệt mỏi: Để giảm mệt mỏi và đau cơ, bạn nên nghỉ ngơi đủ, uống đủ nước, và thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ.

Phản ứng dị ứng: Rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu người tiêm có các triệu chứng ngứa ngáy, phát ban, khó thở hoặc buồn nôn sau khi tiêm vaccine, cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức để được hỗ trợ. 

Biến chứng nghiêm trọng: Mặc dù rất hiếm, nhưng vaccine phòng bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm màng não, hoặc phản ứng dạng thần kinh. Nếu sau tiêm có bất kỳ triệu chứng bất thường sau tiêm vaccine, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.

Ngoài các biện pháp xử lý biến chứng, nên ghi chú lại thông tin về các triệu chứng và thời gian gặp phải. Những thông tin này sẽ giúp cơ sở y tế có thêm cơ sở cần thiết để đánh giá và quản lý các biến chứng phát sinh sau tiêm.

THẢO UYÊN

 
.
.
.