Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa trở thành địa phương thứ hai ở khu vực Đông Nam Bộ được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học mức độ 3. Đây chưa phải là đích đến mà được coi là cột mốc quan trọng trong hành trình nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Đoàn Kiểm tra của Bộ GD-ĐT và BCĐ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh thông qua biên bản công nhận
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. |
Địa phương thứ 2 trong khu vực đạt chuẩn mức độ 3
Bà Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), Trưởng đoàn kiểm tra PCGD, xóa mù chữ (XMC) của Bộ GD-ĐT thông tin, đến thời điểm này, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thứ 32/63 tỉnh, thành cả nước đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Đây cũng là địa phương thứ 6 của khu vực phía Nam và thứ 2 tại khu vực Đông Nam Bộ, sau tỉnh Bình Phước đạt được tiêu chí này.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo duy trì, phát huy kết quả đạt được để giáo dục tiểu học của tỉnh đạt vị trí cao hơn, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa tới công tác PCGD tiểu học và nâng cao nhận thức đúng đắn cho toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác PCGD, XMC. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể huy động các nguồn lực hợp pháp đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đội ngũ GV để tạo tiền đề nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục trên toàn địa bàn của tỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ GV tại các trường để giải quyết thừa thiếu GV cục bộ...
(Bà Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT)
|
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh cho hay, công tác PCGD, XMC nói chung, PCGD tiểu học nói riêng đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Nhờ đó, việc tuyên truyền vận động, làm cho mọi người dân, đặc biệt là phụ huynh HS hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện công tác PCGD, XMC được thực hiện hiệu quả. Năm 2023, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 20.086 em, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ HS 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, đạt 94,98%. HS đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, đạt 98,12%...
Cùng với đó, công tác xã hội hóa giáo dục được các tổ chức kinh tế - xã hội, Nhân dân tích cực ủng hộ về tinh thần và vật chất. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Tính đến tháng 12/2023, ngành giáo dục tỉnh có 144 cơ sở giáo dục. UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố dành nguồn kinh phí khá lớn cho việc xây mới, sửa chữa trường học. Năm 2022, kinh phí dành cho công tác này là hơn 647,4 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 540 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học lên tới trên 53 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, đội ngũ GV được bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường tiểu học. Tổng số GV tiểu học của tỉnh là 4.359 người, tỷ lệ 1,39 GV/lớp. 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học… “Tính đến tháng 12/2023, có 82/82 xã, phường, thị trấn, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD tiểu học mức độ 3”, bà Châu nhấn mạnh.
Qua kiểm tra, làm việc thực tế tại các địa phương, cơ sở giáo dục, TS.Hoàng Mai Lê, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học bày tỏ ấn tượng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp với công tác PCGD, XMC. Đồng thời khẳng định quy trình công nhận quy trình kiểm tra, công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học của tỉnh với các đơn vị cấp huyện và của cấp huyện với các đơn vị cấp xã là hoàn toàn chính xác.
TS.Nguyễn Đức Mạnh, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học thì cho hay, qua kiểm tra, đoàn nhận thấy có đơn vị đạt chuẩn PCGD vững chắc, nhưng cũng có đơn vị đạt ở mức vừa đủ. Thế nhưng, nếu chỉ căn cứ vào con số thì không thể nhìn nhận hết được sự nỗ lực của các đơn vị, đặc biệt là những địa bàn khó khăn vừa chuyển mình vươn lên.
Chất lượng giáo dục mới là đích đến
Tuy được đánh giá cao, nhưng công tác PCGD của tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, cán bộ phụ trách công tác phổ cập tại địa phương đều là kiêm nhiệm, không cố định mà luân chuyển thường xuyên nên việc quản lý dữ liệu cũng như thực hiện các thủ tục, hồ sơ phổ cập theo quy định gặp nhiều khó khăn. Việc tuyển dụng GV dạy các môn cơ bản, các môn chuyên trách còn hạn chế do không có nguồn tuyển…
TP.Vũng tàu được đánh giá là địa phương đạt chuẩn PCGD TH vững chắc. |
TS.Bùi Việt Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học cũng chỉ ra một số hạn chế như tỷ lệ GV/lớp chưa đạt 1,5 GV. Cùng với đó, việc thiếu GV, nhất là GV các bộ môn chuyên trách gây thiệt thòi cho HS khi các em không được học tập với thầy cô được đào tạo chuyên sâu. Ngoài ra, trong lộ trình chuẩn hóa đội ngũ, tỉnh vẫn còn tỷ lệ đáng kể GV chưa đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Linh chuyên viên chính Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, một số địa phương của tỉnh mới PCGD ở mức đạt và chưa thực sự bền vững. Ông Linh đưa ra ý tưởng phân vùng phát triển GD-ĐT theo địa bàn, theo trường, lớp. Trong đó, chia làm 2 nhóm: nhóm 1 là nhóm phát triển, không chỉ làm tốt công tác phổ cập mà còn chú trọng giáo dục mũi nhọn để nâng cao chất lượng GD-ĐT; nhóm 2 chú trọng giáo dục đại trà tạo nền móng cho giáo dục mũi nhọn. “Hai luồng này cần phải đồng hành, không nên chỉ tập trung 1 lĩnh vực trong khi có đủ tiềm lực”, ông Linh nói.
Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục duy trì 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Trong đó: số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100%; số HS 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 97%; HS đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 99,5%. Bảo đảm đủ GV giảng dạy các môn cơ bản và các môn chuyên trách theo quy định; 100% HS được học 2 buổi/ngày. |
Đồng quan điểm, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh nhấn mạnh: “Mục tiêu của tỉnh là chất lượng giáo dục chứ không dừng lại ở PCGD mức độ 3”. Do đó, tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đồng thời tích cực nghiên cứu học tập kinh nghiệm để ban hành các chính sách đầu tư cho giáo dục và điều chỉnh các quy định không còn phù hợp.
Song song với đó là phát triển và hoàn thiện hệ thống trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ GV bảo đảm điều kiện cần thiết cho thực hiện công tác PCGD, XMC.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI