Nét đẹp nhà gỗ
Những ngôi nhà gỗ với lối kiến trúc cổ xuất hiện khá nhiều ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Không chỉ để ở, nhà gỗ còn là phong cách đặc trưng trong nhiều nhà hàng, resort hiện nay.
Không gian xanh mát và kiến trúc nhà gỗ Hồ Tràm boutique resort & spa. |
Săn nhà gỗ
“Một lần về thăm quê, đúng lúc hàng xóm đang dỡ bỏ ngôi nhà ba gian gỗ xoan từ đời ông bà để lại lấy củi đốt lò gạch, tôi thấy tiếc nên định mua mang vào Vũng Tàu nhưng không biết vận chuyển bằng cách nào. Từ đó, tôi nung nấu ý định tạo dựng cho gia đình một khoảng trời riêng, nghe ở đâu rao bán nhà gỗ là tìm đến xem…”, họa sĩ Mai Thanh Thìn, chủ nhân ngôi nhà sàn xinh xắn ở địa chỉ 376-378 đường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) kể về niềm đam mê nhà gỗ bằng câu chuyện như vậy.
Đến đầu năm 2002, sau khi nhờ người qua Bình Thuận tìm giúp, bà mua được một căn nhà sàn 16 cột, chiều dài mỗi cột trên 5m, với giá chỉ 18 triệu đồng. Có được phần khung chính, vợ chồng bà tiếp tục lang thang ra đường Bình Giã lùng thêm được 3 căn nhà gỗ cũ đem về tân trang lại rồi mời thợ đến bàn chuyện dựng nhà.
Phải mất gần một năm, ngôi nhà mới hoàn thành trên diện tích hơn 150m2 với 30-35 khối gỗ căm xe, sao, gõ. Bà nhẩm tính, tổng chi phí cho ngôi nhà khoảng 150 triệu đồng. “Đó là hơn 20 năm về trước, ở thời điểm hiện nay tiền tỷ cũng khó lòng có được một ngôi nhà gỗ ưng ý”, họa sĩ Mai Thanh Thìn nói.
Với khuôn viên rộng 1.000m2, khu trưng bày Nam Bộ xưa (TT.Long Hải, huyện Long Điền) mở ra một không gian rất xưa của Nam Bộ từ cổng chào, nhà gỗ, mái ngói âm dương, gạch cổ da bò… Ông Hoàng Thế Lực, chủ khu trưng bày Nam Bộ xưa cho biết, các gian nhà gỗ trong khu trưng bày được ông cất công sưu tầm nhiều năm ở các huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi xây dựng khu trưng bày, ông cho thợ lắp ráp lại thành nhà 3 gian.
Một trong những điểm nổi bật của nhà gỗ Nam Bộ xưa là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu guốc chèo. Cấu trúc guốc chèo của kèo và đòn tay được xem như những điểm tựa chịu lực chắc chắn cho hệ thống mái nhà. “Nam Bộ Xưa thì không thể sử dụng không gian kiến trúc nhà hiện đại, chỉ có nhà gỗ, lợp mái ngói âm dương mới phù hợp. Đó là lý do tôi chọn nhà gỗ để làm điểm nhấn cho Nam Bộ xưa”, ông Lực nói.
Ông Hoàng Thế Lực (bên phải) và khách thưởng trà trong gian nhà gỗ lợp mái ngói âm dương. |
Nhà gỗ vào nhà hàng, resort
Nhà gỗ không chỉ được nhiều người đầu tư làm nơi tận hưởng cuộc sống mà còn được đưa vào nhà hàng, resort cao cấp để tạo phong cách riêng.
Quán Tre (411 đường 2/9) là một nhà hàng khá lâu đời ở Vũng Tàu. Nhà hàng thu hút thực khách không chỉ ở chất lượng thực phẩm mà còn bởi không gian sang trọng với nội thất gỗ. Lối kiến trúc nhà rường đặc sắc qua từng chi tiết được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ, mang dấu ấn cung đình Huế. Để có một không gian Huế xưa như vậy, chủ nhân Quán Tre đã bỏ công sưu tầm gỗ từ năm 1998 khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Các loại gỗ cẩm lai, giáng hương, gỗ đỏ, gỗ mật, căm xe… qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thành những tác phẩm độc đáo.
Một trong những resort đi đầu trong xu hướng đưa nhà gỗ vào làm du lịch là Hồ Tràm boutique & spa (huyện Xuyên Mộc). Bước vào resort, du khách bắt gặp một “phố cổ Hội An” ấm áp màu gạch nâu. Cuối lối đi đầy sắc hoa vàng, là ngôi nhà rường cổ kính soi bóng bên hồ nước trong veo. Ngôi nhà rường này có tuổi đời hơn 100 năm, được chủ nhân ra tận miền Trung lùng mua rồi chuyển vào. Nội thất ngôi nhà rường được bài trí toàn những vật dụng cổ xưa như: sập gụ, ghế đôn, khay trầu, độc bình và câu liễn… Trên tường còn treo một sắc phong đời vua Tự Đức, được lồng trong khung mộc chạm trổ rồng phụng. Bên cạnh các bugalows là khu nhà hàng lợp ngói âm dương, hàng cột gỗ đen bóng với những cánh cửa gỗ lim chạm trổ công phu, nền gạch tàu lát chéo… tạo thành nơi trải nghiệm mới, ấm cúng, sang trọng do du khách.
Bài, ảnh: QUANG VŨ