Uốn nắn con ở tuổi teen
Ở tuổi teen (từ 11-16 tuổi), giai đoạn dậy thì, trẻ thường có những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cảm thấy "sốc", thậm chí bất lực khi không có cách nào uốn nắn được con.
Tuổi thích thể hiện
Ở độ tuổi teen, hầu hết trẻ nghĩ mình đã lớn và khao khát được khẳng định mình. Không phải chuyện gì con cũng kể với bố mẹ trước tiên như lúc còn bé. Thay vào đó, trẻ dành nhiều thời gian hơn để tâm sự với bạn bè, hoặc giấu chuyện gì đó đi như một bí mật.
Trẻ ở tuổi này cũng cần không gian riêng và bắt đầu phân định ranh giới cho bản thân. Trẻ có thể sẵn sàng phẫn nộ trước những quy tắc mà bố mẹ đặt ra khi cho rằng việc đó bất công hay không hợp lý. Đồng thời, trẻ muốn tự đưa ra quyết định về những việc mình thích mình làm.
Đặc biệt, ở tuổi teen, nhiều trẻ thường có nhiều dấu hiệu ngang ngược, không nghe lời, chống đối và muốn thể hiện bản thân, làm ngược những lời dạy của cha mẹ… Đây được coi là hiện tượng “chống đối ngầm”. Lý do là bởi các con cảm thấy không được an toàn, không được chia sẻ. Cụ thể, nếu chỉ một lần duy nhất cố gắng chia sẻ với cha mẹ mà nhận được tín hiệu không được cảm thông, trẻ sẽ đóng lại toàn bộ cánh cửa. Lâu dần, cảm xúc đè nén sẽ bộc phát thành hành động không đúng, tiềm ẩn nguy hại trong tương lai.
Trong khi đó, với cha mẹ, con lúc nào cũng là “đứa trẻ” cần được chở che, bao bọc. Tuy nhiên, đôi khi, vì nghĩ con là “trẻ con không biết gì” nên cha mẹ lại vô tình nói những lời làm tổn thương con. Đặc biệt, với trẻ ở độ tuổi teen, cha mẹ cần giao tiếp với con một cách “khéo léo”, “lựa lời”. Ngay cả khi trẻ mắc lỗi, thay vì mắng mỏ, chì chiết, cha mẹ có thể thay đổi cách nói để tích cực hơn.
Lắng nghe và cho con quyền chủ động
Thực tế cho thấy, khi cha mẹ thấu hiểu, yêu thương, tìm cách đồng hành, giúp đỡ trẻ, con sẽ trải qua giai đoạn thanh thiếu niên một cách nhẹ nhàng. Do đó, cha mẹ có con tuổi teen trước tiên cần trở thành người bạn tin cậy và ít nói. Và để trở thành người bạn tin cậy, cha mẹ nên học cách lắng nghe con mỗi ngày. Cha mẹ có thể tìm hiểu sở thích của con, cuộc sống trên mạng xã hội và cuộc sống ở trường như thế nào.
Cùng với việc lắng nghe, thấu hiểu, việc cha mẹ nên làm là biết tôn trọng con và dành cho con quyền chủ động lựa những gì thuộc về con mà không ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ, con mặc một cái áo te tua và hỏi: "Mẹ ơi, mẹ thấy được không ạ?".Bạn sẽ nghĩ: "Không hiểu nó nghĩ gì mà mặc như vậy", nhưng bạn phải nói thế này: "Ôi con chọn cái màu này khéo đấy, nó làm con tôn màu da lên rất nhiều, con gái mẹ ngày càng xinh..." sau đó để con vui đã rồi hãy nói: "Nhưng con thử nghĩ xem, cái tua dua kia có phù hợp với cái bữa tiệc khá nghiêm túc không?". Nếu con thấy mẹ nói hợp lý, chúc mừng mẹ. Nhưng đa số con sẽ nói: "Con thấy ổn mà" vậy lời khuyên là hãy: "OK con, lựa chọn là quyền của con, mẹ chỉ góp ý vậy thôi".
Ngoài ra, việc hỗ trợ các con tuổi mới lớn cũng là cách để cha mẹ có thể gần gũi và hiểu các con hơn. Hỗ trợ ở đây không phải là đưa tiền cho con, hay là cùng chơi game hay làm điều gì con thích, mà cha mẹ có thể giúp con bằng cách tỏ rõ cảm xúc của mình khi con làm điều gì đó hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập. Thậm chí là luôn ở bên cạnh động viên con những khó khăn và kiên nhẫn mỗi khi con làm điều sai. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khích lệ nếu con có thành tích học tập tốt hay đạt giải cao ở một kỳ thi nào đó.
Cuối cùng, cha mẹ cần dành thời gian với các con, đặc biệt đối với các bạn tuổi teen. Nếu như con thích hoạt động nào đó như tập cầu lông, đá bóng hay ca hát... Cha mẹ cố gắng đồng hành cùng con trong các hoạt động đó. Cha mẹ hoàn toàn có thể ủng hộ các con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đó là sự ủng hộ tinh thần rất lớn mà các bạn tuổi teen rất cần. Cha mẹ cũng không nên nóng vội khi chưa hiểu con mình ở lứa tuổi này. Hãy kiên nhẫn, cởi mở và thực tế, chắc chắn bạn sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất với con.
NAM DƯƠNG