.

Khi con là 'rào cản' hạnh phúc

Cập nhật: 13:55, 31/05/2024 (GMT+7)

Ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, tuy nhiên với những người cha/mẹ đơn thân, việc đi bước nữa đôi khi vẫn gặp trở ngại khi không được các con ủng hộ. Vậy đâu là điều cha/mẹ đơn thân muốn “đi thêm bước nữa” cần biết và làm thế nào để chinh phục con cái “gật đầu” trước quyết định tái hôn của mình.

“Đi bước nữa” hay “ở vậy nuôi con”

Hơn 10 năm ly hôn chồng là chừng đó thời gian chị Lại Phương Dung (SN 1983, phường 10, TP.Vũng Tàu) ở vậy nuôi con. Đến nay, con gái chị Dung đã khôn lớn và đang học đại học năm thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Gần đây, chị Dung gặp lại một người bạn học cùng thời đại học. Người ấy cũng đã ly hôn vợ và sống một mình nhiều năm nay. Sau khi gặp gỡ một thời gian, cả hai có tình cảm và người ấy muốn chị về sống cùng.

Biết mẹ có tình cảm với người ấy và muốn đi thêm bước nữa, cô con gái của chị Dung phản đối kịch liệt. Lý do là: “Không được sống cùng ba đã là quá mất mát đối với con rồi nên con muốn giữ lại mẹ cho riêng con”. Hơn nữa, khi biết bạn trai của mẹ cũng có con riêng, cô con gái chị Dung cũng lo bao nhiêu chuyện không hay về cảnh “mẹ ghẻ, con chồng” hay quan hệ bố dượng… như trên mạng. 

Tương tự, anh Nguyễn Xuân Phương (SN 1975, ngụ phường 2, TP.Vũng Tàu) cũng sống cảnh gà trống nuôi con mấy năm nay khi vợ mất vì tai nạn giao thông. Lo cho vợ “mồ yên mả đẹp”, anh dành hết tình thương của mình cho cô con gái. Lúc con gái anh vào năm cuối phổ thông, anh Phương nảy sinh tình cảm với một người phụ nữ và muốn “đi thêm bước nữa”. Mong muốn con ủng hộ, anh nhiều lần dẫn người phụ nữ ấy về nhà chơi nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của cô con gái.

Không riêng gì chị Dung, anh Phương, việc ba/mẹ đơn thân muốn đi bước nữa nhưng lại gặp phải phản ứng gay gắt từ phía con cái hiện nay không phải hiếm. Đôi khi chuyện tình cảm tế nhị này không tìm được tiếng nói chung, khiến mâu thuẫn với con cái, mối quan hệ ruột thịt trở thành xa lạ. Lý do cơ bản nhất khiến phần lớn các con không muốn ba/mẹ của mình đi bước nữa là sợ lấy mất hay bị chia sẻ tình cảm mà mình đang có.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Cho con thấy mình vẫn được yêu thương

Đối với trẻ, cha/mẹ đơn thân là người thân yêu duy nhất. Vì thế, khi xuất hiện người lạ mà cha/mẹ lại có thái độ thân thiết, ở trẻ thường xuất hiện sự lo sợ rằng cha/mẹ sẽ bỏ mình đi mất. Việc cần làm của cha/mẹ đơn thân khi muốn đi thêm bước nữa là làm sao để trẻ thấy mình vẫn tiếp tục được yêu thương, sống trong không khí an toàn và ấm cúng. 

Cụ thể, ở giai đoạn đầu khi con chưa chấp nhận chuyện tình cảm với người ấy, cha/mẹ đừng bao giờ để cho con cảm thấy mình là người “thừa”. Thay vào đó, hãy tìm cách để cho các con không tủi thân và cho con anh ấy/cô ấy coi mình là người mẹ, người cha thực sự. Cùng với đó, cha/mẹ hãy giải thích với bạn trai/bạn gái của mình về thái độ của con để người ấy thông cảm và hợp tác giúp đỡ. Ví dụ như, những lúc anh ấy/cô ấy đến chơi, bạn nên tạo cơ hội cho họ và con bạn tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Bạn có thể kể cho người ấy về những sở thích, tính cách của con bạn để họ hiểu và có cách tiếp cận phù hợp với con.

Ngoài ra, cha/mẹ đơn thân và người ấy cần thường xuyên tổ chức đi chơi chung với nhau. Chẳng hạn như một buổi đi xem phim mà con thích hoặc một buổi đi chơi dã ngoại... Đây là cơ hội tốt nhất để người ấy gây được thiện cảm với con bạn. Thêm vào đó là hãy nói chuyện với trẻ như với một người lớn bởi đôi khi việc nói chuyện thẳng thắn với con sẽ giúp bạn nắm bắt được tâm tư của con, giúp con hiểu hơn chuyện của cha/mẹ.

Đối với con riêng của chồng/vợ mới, nếu được trẻ quý nghĩa là đã đi được 1/3 chặng đường. Nhưng không phải vì vậy mà chủ quan nghĩ trẻ đã quý mình là dễ dàng trở thành mẹ/cha mới của chúng. Điều quan trọng để chinh phục trẻ vẫn cần sự thành thật. Một khi trẻ cảm thấy bị lừa, tình cảm gây dựng được khó có thể khôi phục, thậm chí có thể nhen lên trong lòng trẻ sự thù hận.

Chẳng hạn, ngay từ nữ Phó Tổng thống Mỹ trước khi kết hôn với người đã có 2 con riêng cũng đã phải có một quá trình chinh phục trẻ. Bà Kamala đã suy nghĩ rất nhiều về thời điểm, cách thức sẽ gặp bọn trẻ lần đầu. Bà  đặt mình vào vị trí của các con riêng khi thấu hiểu chúng cảm thấy khó khăn với việc bố mẹ mình quyết định hẹn hò với người khác. Bà đã nỗ lực để các con biết rằng bà tôn trọng chúng. Trong buổi gặp đầu tiên, bà đã hòa hợp với lũ trẻ. Hai con riêng của chồng thấy bà luôn quấn quýt với mình mà không phải là bố nên đã rất vui. Họ đã đặt biệt danh cho bà là “Momala” thể hiện sự yêu mến của mình.

Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng nảy sinh mâu thuẫn với người yêu mới của cha/mẹ càng ít. Do đó, tùy theo từng hoàn cảnh, cha/mẹ đơn thân có thể có cách giải quyết riêng của mình để vừa đẹp lòng con riêng của mình vừa đẹp lòng người yêu.

TRẦN HÀ

.
.
.