Nguy hiểm rình rập từ bóng bay
Bong bóng bay (bóng bay) là loại đồ chơi rẻ tiền, màu sắc bắt mắt, bán ở nhiều nơi, ở mọi thời điểm, được nhiều phụ huynh mua cho con em mình. Tuy nhiên, bóng bay lại rất nguy hiểm nếu được bơm bằng khí Hydro mà khi phát nổ, sẽ gây ra những vết thương nghiêm trọng cho người chơi.
Bóng bay bơm khí Hydro luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường nếu phát nổ. (Ảnh minh họa) |
Dễ nổ nếu bơm khí Hydro
Thông thường, để có thể bay được, bóng bay phải bơm bằng những loại khí nhẹ hơn không khí, trong đó khí Heli là loại khí bắt buộc phải sử dụng ở nhiều quốc gia vì nó là khí trơ, tiếp xúc với nhiệt không gây cháy nổ. Nhưng do khí Heli đắt tiền nên một số người sản xuất bóng bay đã thay khí Heli bằng khí Hydro rẻ tiền hơn.
Hydro là loại khí không màu, không mùi, là nguyên tố nhẹ nhất và có cấu trúc phân tử rất nhỏ. Vì thế khi bơm vào bóng bay, nó có thể thoát ra ngoài màng bong bóng nếu loại bong bóng ấy làm từ cao su tái chế. Khi tiếp xúc với nguồn nhiệt như lửa từ hộp quẹt, bóng đèn nóng, tàn thuốc lá, nhang đang cháy, tàn lửa đốt giấy vàng mã thì nó sẽ phát nổ. Thậm chí nó còn nổ khi cọ xát lẫn nhau nếu để lâu ngoài trời nắng...
Khi phát nổ, bóng bay có khí Hydro tỏa nhiệt rất mạnh, lên đến 500 độ C. Và bởi vì khi chơi bóng bay, trẻ thường cầm trên tay, để gần mặt, cổ, ngực, bụng… nên tổn thương rất lớn. Tuy nó không gây ra bỏng sâu nhưng những tai nạn đã xảy ra ở nước ta cho thấy trẻ bị bỏng trên diện rộng, ở nhiều nơi trên cơ thể, khi lành để lại sẹo hoặc di chứng trên da như co rút da, gân, mù mắt, điếc tạm thời hoặc điếc vĩnh viễn.
Vì thế, các gia đình cần hạn chế việc cho trẻ chơi bóng bay, hạn chế trang trí bóng bay trong những bữa tiệc thôi nơi, đầy tháng, sinh nhật… Bên cạnh đó, nếu dẫn con em đi chơi ở những nơi công cộng, cần tránh xa những điểm bán bóng bay, nhất là những điểm bán bóng bay loại lớn, cột thành từng chùm.
Sơ cứu trẻ bị nổ bóng bay Việc đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần làm khi trẻ bị nổ bóng bay là cởi bỏ quần áo rồi ngâm hoặc dội nước lạnh vào vùng da bị tổn thương, sau đó nhẹ nhàng nhặt hết những mảnh cao su bóng bóng dính trên da. Nếu vết bỏng rộng, đắp gạc y tế vô trùng (có bán tại các nhà thuốc tây) vào chỗ bỏng rồi đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Tuyệt đối không bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm vào vùng da bị bỏng vì nó sẽ làm vết bỏng trầm trọng hơn. Nếu trẻ bị bỏng ở mắt, dùng gạc vô trùng nhúng nước lạnh đắp lên mắt trẻ, không nhỏ vào mắt trẻ bất cứ loại thuốc gì. |
Nhiều chất độc hại khác
Ngoài việc dễ phát nổ nếu người bán bơm khí Hydro, màu sắc của bóng bay loại rẻ tiền còn chứa nhiều hóa chất độc hại vì nó là màu công nghiêp như thuỷ ngân, chì, cadmium... Khi trẻ sờ vào bề mặt của quả bong bóng rồi đưa tay vào miệng hoặc trẻ ngậm quả bong bóng, chì sẽ đi vào cơ thể rồi tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng.
Khi ấy chì sẽ gây tác hại đối với hệ thống men (enzyme) cơ bản, nhất là men hemosynthetase, là chất tạo ra hemoglobin (huyết sắc tố tạo màu đỏ cho hồng cầu trong máu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).
Nếu lượng chì trong máu ở mức trên 0,3 ppm, nó sẽ ngăn cản quá trình ôxy hóa glucose (là quá trình tạo ra năng lượng duy trì sự sống). Nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin. Còn với cadmium khi vào người, sau một thời gian nó sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi...
Bên cạnh đó, nếu trẻ nhiễm vi nhựa từ bóng bay rẻ tiền, là những hạt polyme hoặc nhựa tổng hợp cực nhỏ, kích thước dưới 1.000 micromet (ký hiệu là µm - 1 µm bằng 1 phần triệu mét) trong quá trình cầm, nắm, ngậm… cũng sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm ở phổi, gan, ruột nhưng không thể nhận ra ngay lập tức mà phải mất một thời gian khá dài, thậm chí là 10 hoặc 15 năm mới bắt đầu xuất hiện những triệu chứng, phần lớn là ung thư…
Dược sĩ NGUYỄN VĂN ĐẠT