Thời của... livestream

Thứ Sáu, 19/04/2024, 16:59 [GMT+7]
In bài này
.

Với sự phát triển của của các nền tảng số như Facebook, TikTok, Youtube... cùng nhu cầu truyền thông để xây dựng và phát triển hình ảnh của các cơ quan, đơn vị, DN, doanh nhân, nghệ sĩ... các chương trình livestream (phát trực tiếp) đang phát triển rầm rộ.

Livestream đang là một trong những nghề thú vị, được nhiều người đam mê công nghệ theo đuổi.
Livestream đang là một trong những nghề thú vị, được nhiều người đam mê công nghệ theo đuổi.
Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Ken Entertainment (209, Bacu, TP.Vũng Tàu) livestream một chương trình.

Hiệu quả bất ngờ

Hình thức livestream bùng nổ vài năm nay, đã trở thành công cụ đắc lực cho công tác truyền thông. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN chọn tổ chức livestream các chương trình để truyền tải những thông điệp mong muốn đến khán giả, khách hàng.

Như vừa qua, BHXH tỉnh phối hợp Công ty TNHH Ken Entertainment (209, Bacu, TP.Vũng Tàu) tổ chức chương trình livestream tuyên truyền về BHXH tự nguyện, nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Trung tâm VH-TT-TT TP.Vũng Tàu, Trung tâm VH-TT-TT huyện Xuyên Mộc, Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Thiếu nhi tỉnh... đã phối hợp tổ chức livestream các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cũng nhận được sự quan tâm của đông người dân trên Facebook và Youtube. Thời gian này, KDL Hồ Mây cũng livestream chương trình ca nhạc “Hồ Mây  show” vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, như một cách lan tỏa dịch vụ đến khách.

Công ty TNHH Ken Entertainment cũng phối hợp với Ban Âm nhạc (Hội VH-NT tỉnh) sáng tạo kênh Youtube “Say coffee” để livestream giới thiệu tác giả, tác phẩm. Qua đó, lan tỏa nhiều tác phẩm hay của các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đến với công chúng.

Nhân viên Công ty TNHH Ken Entertainment (209, Bacu, TP.Vũng Tàu) livestream cuộc thi “Tài năng nhí”, do Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức.
Nhân viên Công ty TNHH Ken Entertainment (209, Bacu, TP.Vũng Tàu) livestream cuộc thi “Tài năng nhí”, do Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức.

Nghề “hot”

Theo đại diện Công ty TNHH Ken Entertainment, khi livestream một sự kiện, phải đồng thời sử dụng nhiều thiết bị công nghệ như camera, máy quay, flycam, máy thu âm... Nên, mang lại hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sống động, chân thực, giúp người xem quan sát được nhiều góc của sự kiện. Dù vậy, chất lượng hình ảnh trên livestream là không thể so sánh với các chương trình của Đài PT-TH.

Tuy nhiên, theo những người trong nghề, livestream có nhiều ưu điểm khiến dịch vụ này ngày càng được lựa chọn nhiều. Đó là lợi thế nhanh, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty TNHH Ken Entertainment dẫn ví dụ, để làm được chương trình talkshow phát sóng trên Đài PT-TH, phải qua nhiều khâu như: kịch bản, dàn dựng, thu âm, chỉnh sửa rồi mới phát sóng. Nhưng nếu là livestream, thì mọi việc như ghi âm, ghi hình, phát sóng đồng thời diễn ra, các bộ phận kỹ thuật làm việc cùng lúc nên đỡ tốn thời gian.

Hay như các hội thảo, sự kiện muốn tổ chức được, phải mất nhiều chi phí để thuê hội trường, nhân sự tiếp đón khách mời, chi phí hậu cần. Còn chọn tổ chức bằng hình thức livestream, các “đầu cầu” sẽ theo dõi được qua điện thoại, ipad, máy tính mà không tốn thời gian, chi phí đi lại.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng công cụ livestream, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tập trung được vào đối tượng khán giả, khách hàng mong muốn. Chẳng hạn, kênh Facebook, TikTok của các nghệ sĩ, bác sĩ,... thường có rất nhiều người theo dõi. Nên khi tổ chức các chương trình livestream trực tiếp, dễ dàng tiếp cận được nhiều khán giả, khách hàng.

Khảo sát tại các nhóm, đơn vị, công ty chuyên tổ chức livestream tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá livestream các chương văn hóa, văn nghệ, giải trí, truyền thông về DN, doanh nhân... giao động từ 2-50 triệu đồng/chương trình. Các chương trình livestream bóng đá, giá từ 1,2 triệu đồng-hơn 2 triệu đồng/trận đấu.

Nhận thấy nhu cầu livestream các giải bóng đá phong trào rất nhiều, 2 năm trước, ông Nguyễn Tấn Phúc (phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) học hỏi công nghệ làm livestream. Ông Phúc bỏ ra hàng chục triệu đồng để sắm máy quay phim, máy chụp ảnh, máy tính để phát triển nghề. Đồng thời, tuyển thêm 5 người để cùng lập nhóm làm livestream.

Nhóm dần phát triển, nhận được nhiều sô từ các cơ quan, đơn vị, công ty. Như tuần qua, nhóm của ông Phúc đã nhận sô livestream giải bóng đá các lực lượng vũ trang Quân khu cụm II, do Bộ CHQS tỉnh; hay các giải bóng đá... phong trào U15, U17, U40 của phường Long Hương...

Trước các trận đấu, ông Phúc chở đồ nghề đến sân. Ê kíp làm việc luôn sẵn sàng, người quay phim, chụp ảnh, người kết nối internet để phát sóng. Ông Phúc vừa phụ trách kỹ thuật kiêm bình luận các trận đấu với những ngôn từ vui nhộn, khiến khán giả xem livestream thích thú, vào tương tác rất nhiều.

“Với nhu cầu truyền thông, xây dựng hình ảnh ngày một phát triển, livestream đang thực sự trở thành nghề hot”, ông Phúc chia sẻ.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
;
.