Không còn là vấn đề mới, nhưng cứ đến mùa tuyển sinh thì câu hỏi “Làm sao để chọn đúng ngành, đúng nghề, đúng trường?” lại trở thành nỗi trăn trở không chỉ của các em HS cuối cấp.
Ngôi trường tốt nhất chính là trường phù hợp nhất với bản thân các thí sinh. Trong ảnh: Thí sinh Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh "Đúng ngành nghề-Sáng tương lai". |
Làm thế nào để không chọn sai “địa chỉ”?
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp “Đánh thức khát vọng và Định hướng nghề nghiệp”, TS.Vũ Xuân Hướng Trưởng khoa Ngoại ngữ-Khoa học xã hội, Trưởng ngành Tâm lý học, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, một cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ HS chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Đáng chú ý, có tới 75% HS thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, chỉ có 5% HS có hiểu biết về ngành mình theo đuổi, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ.
Theo TS.Vũ Xuân Hướng, ngành học mà các em lựa chọn cần hội tụ đủ các yếu tố: đam mê, năng lực, nhu cầu nhân lực trong tương lai, điều kiện của bản thân. Trong đó đam mê được coi là tiêu chí đặc biệt quan trọng. Bởi khi yêu thích một ngành nghề nào đó, các em mới có thể gắn bó dài lâu, làm việc với sự say mê, nhiệt huyết, cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
TS.Hướng cũng đặt ra câu hỏi: “Làm sao các em HS có thể xác định được đam mê của mình?”. Để xác định được điều này, các em nên cố gắng tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nghề nghiệp trước khi lựa chọn. Cùng với đó, các em có thể thực hiện các bài khảo sát về nghề nghiệp của các tổ chức uy tín để tìm hiểu xem đặc điểm tính cách của mình phù hợp với ngành nghề nào.
Những sai lầm cần tránh khi lựa chọn ngành nghề
Chọn theo “nhãn mác”: Nhiều em cho rằng những ngành nghề được “đồn thổi” là lương cao, dễ xin việc là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, ngành "hot" ở hiện tại có thể sẽ không còn "hot" sau 3-5 năm khi bạn ra trường. Hơn nữa, ngành nào cũng "hot" thì càng thu hút nhiều người học nên khi ra trường tỷ lệ cạnh tranh rất cao, khó tìm được vị trí phù hợp nếu không có đam mê và năng lực thật sự.
Bạn bè học gì-Mình học nấy: Lỗi sai này thường gặp ở những bạn không xác định được bản thân muốn học gì nên nghe theo bạn bè “để tiếp tục chung trường, chúng lớp cho vui”. Nếu chẳng may không phù hợp, bạn sẽ lãng phí thời gian để làm lại từ đầu.
Chọn theo nguyện vọng của gia đình: Việc lựa chọn ngành nghề theo sự áp đặt có thể khiến những tháng năm ĐH, thậm chí là cả tương lai của các em nối dài trong áp lực và ức chế về học hành, công việc. Quan trọng hơn cả, các em không thể thành công nếu không thực sự có đam mê.
Chọn theo đam mê nhất thời: Nhiều bạn trẻ ngày nay bị thu hút bởi những ngành nghề hào nhoáng đem lại "hào quang rực rỡ”. Song mọi thứ đều vô ích nếu bạn không biết lượng sức mình, ảo tưởng về bản thân mà lựa chọn một đam mê vượt quá khả năng.
Chọn “nhanh-gọn-lẹ”: Nhiều thí sinh lựa chọn nghề nghiệp vẫn dựa theo cảm tính, chỉ chăm chăm vào những ngành "hot", trường “oách” mà không hiểu rõ ngành nghề đó đào tạo những gì, tố chất phù hợp ra sao, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp sẽ thế nào.
|
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2024 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 3/3 vừa qua, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trong việc định hướng chọn ngành, chọn trường cho con. Thậm chí có trường hợp đã có mâu thuẫn xảy ra khi con tự đưa ra quyết định của mình.
TS.Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, phụ huynh nên lắng nghe chứ không nên áp đặt các con trong việc định hướng chọn ngành nghề. “Một số phụ huynh thương con, mong muốn con học tập sau này có việc làm tốt, thu nhập cao, trong khi con lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều, ít tiền nên phụ huynh không chấp nhận. Như vậy rất không ổn! Thực tế khi các em có hứng thú thì mới học và thành công được. Cho dù phụ huynh ép buộc các em cũng không học được. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều em vào giảng đường ĐH phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và không đúng đam mê”, TS.Hạ chia sẻ.
TS.Phạm Tấn Hạ đưa ra lời khuyên, nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con mình. Nếu các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt. Giỏi không chỉ về kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến và có thu nhập tốt.
Chương trình tư vấn tuyển sinh "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" do Tạp chí Giáo dục TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường ĐH, học viện tổ chức tại Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa). |
Ngôi trường phù hợp chính là ngôi trường tốt nhất
Sau khi lựa chọn được ngành học thì việc chọn trường là vấn đề hết sức quan trọng. Theo các chuyên gia, chọn trường thông minh là chọn nơi có sự phù hợp, đa sắc màu, tạo dựng được cho SV môi trường thuận lợi nhất để phát triển bản thân. Đó là nơi sẽ tiếp thêm cho các em niềm tin rằng sau 3, 4 năm học mình sẽ hoàn thiện hơn và đủ năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp để hướng đến một tương lai tươi sáng.
TS.Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bày tỏ quan điểm: “Nếu chỉ tìm trường học rồi cho rằng thế là đã đủ để có thể xin được việc sau khi ra trường mà không chịu cố gắng rèn luyện trong quá trình học tập thì việc chọn trường đó dù có đúng cũng không đem lại lợi ích gì. Do đó, các em đừng quá quan tâm trường nào "hot" hơn trường nào mà nên chọn cho mình ngôi trường phù hợp. Ở đó có những thầy cô có thể giúp các em trưởng thành và phát triển để trở nên "hot" trong mắt người tuyển dụng. Điều này mới là quan trọng cho sự nghiệp của các em".
Theo đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngôi trường tốt nhất chính là trường phù hợp nhất với bản thân các em. Việc chọn trường ĐH tuy không phải là nhân tố duy nhất quyết định sự thành bại của một cá nhân, nhưng chắc chắn đó sẽ là yếu tố cần thiết để các thí sinh chọn được môi trường học tập thoải mái và tích cực, phù hợp với tính cách, năng lực, giúp các em phát huy tốt năng lực, sở trường vốn có. Đó là ngôi trường mang tới cho các em sự hòa nhập được cả về văn hóa đại học-tri thức-mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Lựa chọn được một trường ĐH thú vị có thể sẽ cho các bạn cơ hội gặp gỡ được những "người bạn" thú vị, chung chí hướng trên hành trình hưởng đến tương lai.
Một lưu ý cho thí sinh khi chọn trường là đừng nên chỉ quan tâm đến trường nổi tiếng, ĐH top đầu. Hiện nay, phần lớn thí sinh chỉ chú ý tới những trường nổi tiếng ở top đầu, nhiều em coi trọng trường công hơn trường tư mà mà xem nhẹ hoặc bỏ qua yếu tố phù hợp. Theo chuyên gia, việc đậu vào trường nổi tiếng mà không đúng ngành yêu thích, không phù hợp, SV cũng không tìm thấy sự say mê trong học tập và khó có cơ hội phát triển tốt trong tương lai.
KHÁNH CHI
(Còn nữa)