Nguy cơ tử vong cao do bệnh dại

Thứ Hai, 04/03/2024, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã ghi nhận khá nhiều trường hợp tử vong nghi dại, do dại tại nhiều tỉnh, thành phố. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu tuy chưa xảy ra trường hợp tử vong do dại, song tình trạng chó, mèo thả rông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh dại. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh các biện pháp phòng tránh căn bệnh này.

* Phóng viên: Bác sĩ hãy cho biết bệnh dại nguy hiểm như thế nào?

-Bác sĩ Nguyễn Viết Điện: Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết. Thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại, bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Từ đó, theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh và theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.

Thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể. Vì thế, nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại. Vi rút dại có ở trong nước bọt của động vật máu nóng như: chó, mèo, dơi... Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Người có nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 đến 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể; sự nặng, nhẹ của vết thương; khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Cán bộ thú y huyện Châu Đức tiêm vắc xin phòng dại cho chó.
Cán bộ thú y thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) tiêm vắc xin phòng dại cho chó.

* Khi bị chó, mèo cắn, cào, người bệnh cần phải làm gì, thưa bác sĩ?

- Khi bị động vật như chó, mèo cắn, cào, người dân cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, tiếp tục bôi chất sát trùng bằng cồn 70%, cồn i-ốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Người dân đến ngay các trạm y tế, trung tâm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có các cơ sở tiêm ngừa dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương; khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

* Bác sĩ hãy cho biết các biện pháp phòng bệnh dại trên người như thế nào?

- Như đã nói ở trên, bệnh dại trên người là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Do đó, muốn phòng bệnh dại trên người thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải kiểm soát nguồn lây trên động vật; không để dịch bệnh dại trên động vật xảy ra; khi có dịch bệnh phát hiện kịp thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; thực hiện giám sát chặt chẽ nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua, bán súc vật nhất là chó, mèo. Người dân thực hiện tiêm phòng dại cho động vật đầy đủ, đúng quy định.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức cho người nuôi chó về việc phòng, chống bệnh dại, chủ động tiêm phòng bệnh dại đối với chó nuôi và tác động đến người nuôi chó trong việc nhốt chó trong khuôn viên nhà, không thả rông chó ra đường, nơi công cộng, tránh để chó cắn người lây lan dịch bệnh và gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Tính từ ngày 1/1 đến 20/2/2024, cả nước ghi nhận 17 ca tử vong nghi dại, do dại ở 13 tỉnh, thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 1/2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 422 người bị chó, mèo cắn đi tiêm ngừa.Tính từ ngày 1/1 đến 20/2/2024, cả nước ghi nhận 17 ca tử vong nghi dại, do dại ở 13 tỉnh, thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 1/2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 422 người bị chó, mèo cắn đi tiêm ngừa.

* Người nuôi chó, mèo cần làm gì để phòng tránh bệnh dại, thưa bác sĩ?

- Đối với người nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt các biện pháp: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ; đồng thời cần phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng tại cơ sở y tế.

* Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TUỆ LÂM
(Thực hiện)

;
.