Cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm

Chủ Nhật, 10/03/2024, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, cùng sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của các cấp hội, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh đã vượt khó vươn lên, tạo dựng kinh tế vững chắc cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nhiều hội viên Hội CCB đã dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Trong ảnh: CCB Hoàng Xuân Vinh (ấp Tân Xuân, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thành công với mô hình chăn nuôi heo.
Nhiều hội viên Hội CCB đã dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Trong ảnh: CCB Hoàng Xuân Vinh (ấp Tân Xuân, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thành công với mô hình chăn nuôi heo.

Tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế

Hơn 30 năm trước, thương binh Nguyễn Đức Hoàng (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) từ Hà Tĩnh vào Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ông Hoàng làm đủ nghề để tích lũy vốn mua đất canh tác. Khi có đất, ông được Hội CCB cùng chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để trồng nhãn và cây cảnh. Bên cạnh đó, ông được hội giới thiệu tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, nhờ đó kinh tế của gia đình ông dần cải thiện. Hiện với 5 sào đất trồng nhãn và các loại cây cảnh, gia đình ông Hoàng có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.

“Dám nghĩ, dám làm và được tiếp sức từ đồng đội cũng như chính quyền địa phương, kinh tế gia đình tôi đã được nâng lên rõ rệt, nhà cửa khang trang hơn”, ông Hoàng nói.

Để cải thiện, nâng cao đời sống của hội viên, những năm qua, Hội CCB huyện Xuyên Mộc phát triển phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Đồng thời, Hội cũng vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo mô hình kinh tế, sản xuất phù hợp. Nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế quê hương. 

Không chỉ vậy, các hội viên Hội CCB huyện Xuyên Mộc còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau. Các thành viên trong tổ đổi công xoay vòng hỗ trợ nhau việc nhà nông, giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, lợi nhuận cũng vì thế được tăng thêm.  

Sau khi được vay vốn 30 triệu đồng từ quỹ CLB giúp nhau phát triển kinh tế của Hội CCB xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức), CCB Nguyễn Văn Thanh, trồng 4.500m2 bưởi da xanh và thuê thêm 1ha đất để trồng chuối.

Vừa làm vừa học hỏi, thu hoạch từ vườn cây của ông Thanh không ngừng tăng. Đến nay, trung bình mỗi vụ ông Thanh thu hơn 10 tấn bưởi và 50 tấn chuối. Với mô hình đa canh này, gia đình ông Thanh có mức thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Từ một hộ khó khăn những ngày đầu vào Châu Đức lập nghiệp, nay ông Thanh đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định.

Thời gian qua, các cấp Hội CCB huyện Châu Đức đã ra mắt 16 “tổ hợp tác” như: tổ hợp tác chăn nuôi heo sinh sản, dê, bò, cá; Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, măng cụt, mít ruột đỏ… với tổng số vốn gần 13 tỷ đồng. 100% hội cơ sở đã xây dựng Quỹ “Tình thương đồng đội” với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Số vốn trên dành cho 92 hội viên khó khăn vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi nâng cao đời sống. Hội CCB huyện còn phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo nguồn vốn vay cho hội viên phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn khai thác hơn 113 tỷ đồng. 

Đời sống nâng cao

Theo Hội CCB tỉnh, bằng những hình thức hỗ trợ, các cấp hội CCB toàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Từ những mô hình này, các hội viên đã phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, số CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã tăng nhanh cả về số lượng, quy mô các loại hình làm kinh tế. 

Hiện toàn tỉnh chỉ còn 12 hội viên nghèo, tỷ lệ hội viên khá, giàu chiếm hơn 60 %. Dư nợ vay vốn ủy thác hiện nay trên 620 tỷ đồng, không có tổ vay vốn yếu kém.

Cũng theo Hội CCB tỉnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên CCB đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương. Tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thu hút nhiều lao động. Nhờ đó, đời sống của CCB được cải thiện rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC 

 
;
.