Chưa đến tuổi hưu, đã cạn tuổi nghề

Chủ Nhật, 10/03/2024, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Không ít lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm họ cảm thấy khó có thể đợi đến tuổi hưu. Tình cảnh này khiến người lao động (NLĐ) mong muốn giới hạn tuổi hưu được tính toán kỹ hơn cho từng đối tượng lao động.

Công nhân Công ty TNHH RO UNIFORMS (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH RO UNIFORMS (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) trong giờ làm việc.

Vất vả chạy theo tuổi hưu

Ngoài 40 tuổi, bà Lê Thị Nhung (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) mất việc sau 25 năm gắn bó trong lĩnh vực du lịch. Từng là quản lý khu nghỉ dưỡng, nhưng nay bà Nhung khá vất vả để tìm việc mới vì tuổi tác của mình.

Để lo cho gia đình, bà Nhung chấp nhận làm nhân viên buồng phòng, mức lương 6 triệu đồng/tháng. “Kinh doanh khó khăn, thu nhập không đủ sống nên tôi và nhiều lao động khác xin nghỉ. Vì đóng BHXH được hơn 20 năm, muốn về già có lương hưu nên tôi phải chật vật tìm việc mới, chấp nhận làm công việc không đúng với khả năng”, bà Nhung nói.

Đang làm việc tại công ty may ở phường 8 (TP.Vũng Tàu), nhưng bà Lê Thị Thuý ở trong tình thế dở khóc, dở cười. Bà tham gia BHXH được hơn 20 năm và cũng mong được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Những năm gần đây, công ty gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng nên thu nhập NLĐ giảm mạnh. Bà Thúy phải tranh thủ tìm việc làm thêm theo giờ.

“Ở tuổi của tôi đi tìm việc rất khó. Tôi xác định tham gia BHXH lâu dài để có lương hưu khi về già nên rơi vào tình thế này tôi rất lo lắng. Nếu mất việc và muốn hưởng lương hưu phải đóng bảo hiểm tự nguyện thì không biết xoay xở thế nào”, bà Thuý chia sẻ.

Năm nay 40 tuổi và có gần 20 năm tham gia BHXH nhưng ông Đặng Quang Anh, công nhân trong KCN B1 Tiến Hùng (TX.Phú Mỹ) cũng băn khoăn không biết sức khỏe có đủ để tiếp tục làm việc tới lúc nghỉ hưu  hay không.

Ông Anh tâm sự: “Dù đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm, nhưng chờ đến lúc được hưởng lương hưu thì quá lâu. Với đặc thù công việc sản xuất nặng nhọc, tôi dự tính làm thêm vài năm nữa. Nhiều người ở tuổi tôi lựa chọn nghỉ hưu sớm, rút BHXH một lần, nhưng tôi thấy như vậy là rất đáng tiếc, nên mong muốn được rút ngắn thời gian nghỉ hưởng lương hưu”.

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của NLĐ được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ của NLĐ.

Mong giảm tuổi hưu

Bà Nguyễn Thị Hương, công nhân may KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu mong muốn: “Với công nhân trực tiếp sản xuất, sức khoẻ chỉ có thể cố gắng tới một thời điểm nào đó vì công việc quá vất vả. Công nhân mong được giảm tuổi nghỉ hưu. Nếu đợi đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu đối với nữ và 62 tuổi đối với nam thì thời gian chờ được hưởng lương hưu quá dài. Tôi hy vọng khi nghiên cứu Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6 tới, mong Nhà nước giảm tuổi nghỉ hưu cho NLĐ”.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2023, trong hơn 20 ngàn người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có gần 5.000 người ở độ tuổi trên 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 23,80%. Năm 2022, tỷ lệ người trên độ tuổi 40 hưởng bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ 25,26%.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ LĐ-TBXH thừa nhận thị trường lao động đang diễn ra thực trạng chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã cạn tuổi nghề. Theo Bộ LĐ-TBXH, tình trạng này đang diễn ra ở tất cả các nước, nhất các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh và không thể đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.

Khi sửa đổi Bộ Luật Lao động, vấn đề điều chỉnh tuổi hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan, xem xét đến tính chất, điều kiện lao động của các ngành nghề.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần sát với thực tế sản xuất, điều kiện làm việc và sức khỏe của NLĐ. Trong ảnh: Công nhân KCN Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ tham gia các gian hàng trò chơi do LĐLĐ tỉnh tổ chức.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần sát với thực tế sản xuất, điều kiện làm việc và sức khỏe của NLĐ. Trong ảnh: Công nhân KCN Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ tham gia các gian hàng trò chơi do LĐLĐ tỉnh tổ chức.

Bộ LĐ-TBXH cũng chỉ ra rằng thực trạng tuổi hưu chưa đến tuổi nghề đã hết diễn ra phổ biến đối với NLĐ làm các công việc giản đơn, chưa được đào tạo kỹ năng hoặc ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thấp. Điển hình như may mặc, giày da, chế biến thủy sản... Trong khi chính sách BHXH chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa.

Để khắc phục tình trạng này, đối với các ngành nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp), Bộ LĐ-TBXH cho rằng người sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, vị trí việc làm, đào tạo lại… cho phù hợp.

Mong lương hưu dễ tiếp cận hơn

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh, việc áp dụng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét thấu đáo. Trên thực tế, NLĐ khối doanh nghiệp, nhất là ngành may mặc, giày da… đặc thù sản xuất vất vả thì ở tuổi 50 bắt đầu sức khỏe không cho phép để tiếp tục công việc. Không chỉ đứng máy trong thời gian dài, lao động ở lĩnh vực này phải chịu nhiều áp lực khác. Vì thế, nếu làm việc đến tuổi 60 khó khả thi.

“NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã chạm mốc tuổi nghề như lĩnh vực giày da, may mặc… đã bị doanh nghiệp tìm cách cắt giảm hoặc không tiếp nhận. Do vậy, nhiều lao động đối mặt với quãng thời gian dài chờ nghỉ hưu, mà rất khó tìm được một việc làm khác ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần, cho thấy khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu hiện nay là khá lớn”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.