Cào hến mưu sinh ở hồ Đá Đen
Giữa cái nắng như đổ lửa của tháng 3, nhiều người ngâm mình hàng giờ dưới nước ở hồ Đá Đen (huyện Châu Đức) để cào hến. Mỗi ngày một người cào được từ 50-60 kg, thu nhập khoảng 300-350 ngàn đồng.
Bà Trần Thị Hạnh cùng con gái sàng rửa và nhặt sạn, rác trong hến vừa cào. |
Đầu đội nắng, thân ngâm nước
4 giờ sáng, bà Trần Thị Hạnh (SN 1969, ngụ xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) cùng 3 con chất đồ nghề lên xe máy, di chuyển tới hồ Đá Đen (khu vực xã Láng Lớn), cách nhà 25km để cào hến. Đồ nghề là những chiếc rổ nhựa, phao bằng ruột xe ô tô và chiếc cào sắt được hàn thành lồng hình chữ nhật, có các khe hở để khi cào đá, cát lọt qua, giữ lại hến.
Họ tới nơi khi mặt trời chưa ló dạng, mặt hồ Đá Đen còn mờ ảo trong màn hơi nước. Quanh hồ đã có hàng chục người tập trung thành các nhóm khoanh vùng từng khu vực để cào hến. Hến ở hồ Đá Đen có quanh năm nhưng “rộ mùa” nhất là từ tháng 1 đến tháng 5, trước khi mùa mưa tới.
Những người đàn ông nhanh chóng vác cào, kéo phao lội xa bờ khi nước đến ngang ngực thì dừng lại cào hến. Phụ nữ và người lớn tuổi cũng đến các bãi cạn ven bờ, dùng rổ cào hến bị sóng đánh dạt vào. Trúng luồng hến dạt, bà Hạnh cùng con gái cào khoảng 30 phút đã được rổ đầy ắp.
Ngay bên cạnh, bà Hà (SN 1961, ngụ xã Sơn Bình) với chiếc cào cầm tay nhỏ cũng tất bật cào nhặt hến ven bờ trong khi chờ ông Thiên (chồng bà) mang hến lên bờ để sàng sạch bùn, đất.
Dưới hồ, những người cào hến nhấn mạnh chiếc cào xuống bùn, cán tre áp trên vai, hay tay đè mạnh xuống rồi kéo đi thụt lùi. Sâu chừng 3-5m, cào nặng tay, họ dừng lại lắc cào cho sạch bùn, đất rồi kéo cào lên đổ vào bao lưới buộc ở phao. Cào hết mẻ này đến mẻ khác khoảng 1 giờ đồng hồ thì bao đầy. Họ đẩy chiếc phao đựng hến lên bờ. Những người phụ nữ nhanh chóng đổ hến ra bạt để rửa sạch bùn đất, nhặt sạch đá, rác và đóng vào bao. Họ tất bật cào hến cả ngày nên việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng chỉ tranh thủ giây lát ngay trên bờ hồ rồi lao vội xuống nước để cào hến.
Đổ mẻ hến lên bờ cho vợ sàng nhặt sạn, ông Thiên ngồi bệt xuống đất, tay run run cầm chai nước uống. Đôi bàn tay ngâm lâu trong nước trở nên trắng bệch, nhăn nhúm. “Trời nắng rát nhưng ngâm người lâu dưới nước nên rất lạnh. Gió mạnh khiến sóng dập vào người liên tục nên nhanh đuối sức. Cào một lúc tay mỏi rã rời nên tôi phải lên bờ để tránh bị chuột rút”, ông Thiên nói rồi đốt điếu thuốc, rít một hơi để xua tan cái lạnh. Thuốc tàn, ông buộc lại dây vào cào cho chắc chắn và kéo phao lội xuống nước tiếp tục làm việc.
Người dân ngâm mình dưới nước hàng giờ để cào hến ở hồ Đá Đen. |
Thu nhập khá lúc nông nhàn
Những người cào hến ở hồ Đá Đen chủ yếu là người dân ở TX.Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Nghề cào hến đã gắn bó với họ nhiều năm qua và vào những lúc nông nhàn hay thất nghiệp.
Bà Hạnh cho biết, gia đình có mấy sào ruộng nhưng mùa khô cạn nước không thể canh tác. Vụ tiêu và điều cũng vừa thu hoạch xong, không có ai thuê làm việc nên cả nhà tới hồ Đá Đen cào hến. Bà Hạnh chia sẻ: “Nghề cào hến vất vả lắm. Người cào thì chịu lạnh ngâm mình cả ngày dưới nước. Người trên bờ sàng rửa, nhặt sạn cũng rã rời tay. Đêm về các khớp xương đau nhức nhưng phải cố gắng để làm”.
Tương tự, vợ chồng bà Hà dù đã lớn tuổi nhưng không có ruộng đất nên chỉ đi làm thuê làm mướn quanh năm. Hết mùa hái tiêu thì bà nhận hạt điều về cạo, nhưng nay nguồn hàng hết lại đúng vào mùa hến nên hai ông bà vác cào ra hồ Đá Đen mưu sinh. “Quần quật cả ngày ngoài hồ tuy mệt nhưng có thu nhập để lo cho cuộc sống. Chúng tôi chỉ mong có hến quanh năm để cào”, bà Hà nói.
16 giờ chiều, mặt trời vẫn chói chang trên mặt hồ, người thợ ngừng cào, khẩn trương kéo hến vào bờ, sàng rủa, nhặt mẻ cuối ngày để về. “Tranh thủ chở hến về để kịp nhập hàng cho thương lái. Về muộn họ không bốc hàng nữa”, bà Hạnh nói và thúc giục các con đóng hến vào bao.
Hến được thương lái thu mua chở về chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Với giá 6.000 đồng/1kg, mỗi ngày làm việc cật lực, một người có thể cào được từ 50-60 kg hến, thu nhập từ 300-350 ngàn đồng.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN