.

Cẩn thận với gãy cổ xương đùi

Cập nhật: 16:37, 29/03/2024 (GMT+7)

Gãy cổ xương đùi là một dạng gãy xương nặng, thường xảy ra ở vị trí giữa chỏm xương đùi và khối mấu chuyển, đe dọa tính mạng của người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi.

Hình ảnh X quang cho thấy cổ xương đùi bị gãy.
Hình ảnh X quang cho thấy cổ xương đùi bị gãy.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do đau đớn vì khi gãy cổ xương đùi, phần lớn những mạch máu nuôi chỏm xương đùi đều bị tổn thương, máu tụ trong bao khớp làm tăng áp lực lên ổ khớp, dẫn đến tình trạng hoại tử chỏm xương đùi cũng như những biến chứng khi phải nằm bất động dài ngày.

Nguyên nhân gãy cổ xương đùi bao gồm: Chấn thương trực tiếp do người bệnh té đập vùng mông và hông xuống nền cứng, lực truyền qua cổ xương đùi dẫn đến gãy, hầu hết xảy ra ở người cao tuổi, người bị bệnh loãng xương.

Chấn thương gián tiếp do lực tác động vào khớp gối hoặc bàn chân ở tư thế đùi khép, chẳng hạn như nhảy từ trên cao xuống trong tư thế 2 bàn chân cùng chạm đất cùng một lúc, tạo ra một lực lớn dồn lên gây gãy cổ xương đùi. Gãy cổ xương đùi còn do một số bệnh lý làm giảm chất lượng xương như loãng xương, viêm xương, u xương, ung thư di căn xương…

Dấu hiệu khi cổ xương đùi bị gãy: Sau khi chấn thương hoặc té ngã, nạn nhân đau tại vùng háng. Cơn đau tăng khi gõ vào gót chân, xoay bàn chân hoặc ấn vào nếp gấp ở háng. Mất vận động một phần hay toàn phần, không tự nhấc gót chân lên khỏi mặt đất, chân tổn thương ngắn hơn chân còn lại, bàn chân xoay ra ngoài.

Biến chứng của gãy cổ xương đùi: Sốc mất máu, sốc do đau, tắc mạch mỡ (do mỡ từ ổ gãy xương xâm nhập vào hệ tuần hoàn, có thể làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý tim mạch, hô hấp có sẵn ở người bệnh). Huyết khối tĩnh mạch chi dưới, huyết khối động mạch phổi,  nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu..), teo cơ, suy dinh dưỡng, loét tỳ đè do nằm bất động thời gian dài.

Di chứng của gãy cổ xương đùi: Hoại tử chỏm xương đùi, xảy ra do mất tuần hoàn nuôi chỏm, tuần hoàn tái tạo không đủ để đáp ứng nhu cầu, tạo khớp giả, chỗ gãy không tự kết hợp. Những di chứng này sẽ gây đau, biến dạng chi, hạn chế sinh hoạt của người bệnh.

Điều trị nội khoa gãy cổ xương đùi: Người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc giảm đau, giúp làm dịu các cơn đau nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê các thuốc giúp tăng mật độ khoáng chất và độ vững chắc cho xương.

Với trường hợp gãy cổ xương đùi kèm theo các chấn thương khác về xương, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc chống đông máu để đề phòng huyết khối tĩnh mạch ở chân, kết hợp với điều trị bảo tồn như mang nẹp chống xoay, kéo liên tục trên giàn Braun.

Điều trị phẫu thuật: Do phần lớn các trường hợp gãy cổ xương đùi đều cần can thiệp phẫu thuật, thực hiện vài ngày sau chấn thương. Phẫu thuật giúp người bệnh vận động sớm, ngăn ngừa những biến chứng do nằm bất động lâu.

Có 2 phương pháp được chỉ định tùy thuộc loại gãy xương và tình trạng sức khỏe của người bệnh, cụ thể là dung đinh, vít, nẹp… để cố định ổ gãy, hỗ trợ liền xương. Ưu điểm của nó là cố định vững, có thể vận động vận động sớm sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng do nằm bất động lâu, tỉ lệ liền xương khá cao, có thể bảo tồn được chỏm.

Phương pháp thứ 2 là thay khớp háng. Nếu thay bán phần thì người bệnh chỉ phải thay thế phần chỏm xương đùi, không thay ổ cối, còn nếu thay khớp háng toàn phần, người bệnh được thay toàn bộ phần mặt khớp của xương đùi và ổ cối.

Phòng ngừa gãy cổ xương đùi: Để giảm thiểu nguy cơ gãy cổ xương đùi, cần duy trì vận động thể chất với cường độ phù hợp theo tình trạng sức khỏe, chú trọng chế độ dinh dưỡng, bổ sung đủ canxi, các loại vitamin và khoáng chất, khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần), điều trị loãng xương từ sớm, điều trị những rối loạn về thị giác để khỏi nhầm lẫn khi bước đi, chạy nhảy, lên xuống thang lầu.

Ngoài ra người thân trong gia đình cần chú ý loại bỏ những nguy cơ có thể gây té ngã cho người lớn tuổi như sàn nhà, phòng tắm trơn trợt, nhà có những vật dụng để ngổn ngang, giường ngủ thiết kế quá cao, thang lầu không có tay vịn, Đồng thời hướng dẫn người cao tuổi cách đề phòng té ngã trong sinh hoạt thường ngày.

Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG

.
.
.