.

Sẻ chia yêu thương từ Ngôi nhà 0 đồng

Cập nhật: 16:36, 20/02/2024 (GMT+7)

Mô hình “Ngôi nhà 0 đồng” do Hội LHPN xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) thực hiện đã lan tỏa những hành động đẹp, góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp đỡ hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Việt (ấp 1) được nhận quà từ mô hình “Ngôi nhà 0 đồng” do đại diện Hội LHPN xã Hòa Hội và Chi hội phụ nữ ấp trao tặng.
Bà Nguyễn Thị Việt (ấp 1) được nhận quà từ mô hình “Ngôi nhà 0 đồng” do đại diện Hội LHPN xã Hòa Hội và Chi hội phụ nữ ấp trao tặng.

Góp nhặt yêu thương

Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Hoà Hội có 286 hội viên. Trong đó, đa phần hội viên sống bằng nghề nông, nội trợ, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Để vận động hội viên tham gia Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “Chống rác thải nhựa”, đầu năm 2023, Hội LHPN xã Hòa Hội triển khai mô hình “Ngôi nhà 0 đồng”, đặt tại trụ sở ấp 1.

“Ngôi nhà” được thiết kế với chiều dài 1,2m, rộng 2m, cao 1,2m xung quanh bọc lưới B40 có mái che, có bánh xe dễ dàng di chuyển.

Chị Phạm Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1 cho biết, thời gian đầu triển khai, mô hình gặp nhiều khó khăn do thói quen xả rác thải bừa bãi còn khá phổ biến. Một số người dân chưa quan tâm đến việc thu gom phế liệu, bán lấy tiền ủng hộ quỹ. Nhiều người cho rằng việc thu gom gây mất thời gian trong khi tiền thu về chẳng đáng là bao.

Trước tình hình này, Ban Chủ nhiệm và các thành viên đã đến từng gia đình trong ấp tuyên truyền, kiên trì vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình, đồng thời, hướng dẫn người dân phân loại rác thải. Với rác thải hữu cơ, các gia đình đào hố để chôn lấp và tận dụng làm phân bón. Rác thải vô cơ (không thể tái chế) thì gom lại, sau đó đem đến nơi tập kết. Rác thải tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy… sẽ tích góp ủng hộ “Ngôi nhà 0 đồng”.

Mô hình đã góp phần hình thành thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình và gây được nguồn quỹ, góp phần hình thành ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương. Trụ sở ấp cũng trở thành điểm hẹn đóng góp phế liệu của người dân trong vùng.

Bà Nguyễn Thị Việt (ấp 1) cho hay, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc. Từ khi mô hình được thực hiện, bà đã 2 lần nhận quà là gạo từ số tiền Hội Phụ nữ ấp bán phế liệu mua tặng. Bà cũng vận động bà con quanh ấp phân loại rác thải, mang giấy vụn, vỏ lon đóng góp vào mô hình. “Hàng ngày, chai nhựa hay vỏ lon sau khi dùng hết tôi đều gom lại. Khi đi chợ, thấy chai lọ vứt ngoài đường, tôi cũng nhặt mang về để đóng góp vào mô hình”, bà Việt chia sẻ.

Ý nghĩa lớn từ việc làm nhỏ

Qua 1 năm triển khai thực hiện, mô hình của Hội LHPN xã Hòa Hội đã trao 14 suất học bổng Nguyễn Thị Định (250 ngàn đồng/suất) cho con hội viên khó khăn; tặng 22 suất quà (150 ngàn đồng/suất) cho hội viên nghèo, khó khăn tại địa phương. Vào các dịp lễ, Tết, nguồn quỹ từ mô hình còn giúp hội viên trong chi hội có thêm chi phí tổ chức họp mặt, sinh hoạt.

Mô hình không chỉ gây quỹ giúp hội viên nghèo, HS khó khăn mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho chị em phụ nữ trong thực hiện tiêu chí “3 sạch”, bảo vệ môi trường sống, tạo thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục định hướng chỉ đạo để phát huy tối đa hiệu quả từ các mô hình đang thực hiện và khơi nguồn để các cơ sở hội sáng tạo thêm nhiều mô hình mới tại địa phương.
(Bà Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc)

Bà Lưu Thị Cẩm Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Hội cho biết, mô hình được hội triển khai thực hiện có hiệu quả tại ấp 1 và ngày càng được hội viên, người dân ủng hộ. Trong mỗi đợt sinh hoạt đình kỳ, Ban Chủ nhiệm thông qua kết quả hoạt động mô hình, định hướng nội dung hoạt động tháng tiếp theo; kết hợp lồng ghép tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn... Từ đó, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Bà Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc nhận định, bên cạnh những “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà 200 đồng” đã được triển khai trên địa bàn huyện thì “Ngôi nhà 0 đồng” cũng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả được các cơ sở hội thực hiện và nhân rộng, trở thành điểm sáng về giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.