KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2)

Từng bước làm chủ kỹ thuật cao

Thứ Hai, 26/02/2024, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển chuyên môn các kỹ thuật cao và khó. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB), mang lại hài lòng cho bệnh nhân mà con khẳng định được chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh.

Sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế đã làm hài lòng người bệnh. Trong ảnh: Y, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nhận Thư khen từ người nhà bệnh nhân.
Sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế đã làm hài lòng người bệnh. Trong ảnh: Y, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nhận Thư khen từ người nhà bệnh nhân.

Giảm bệnh nhân chuyển tuyến

Từng có thời gian điều trị tại bệnh viện tuyến trên, nhưng gần 3 năm nay, ông Trần Đặng Lâm (61 tuổi, ở 122 Điện Biên Phủ, TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) đã lựa chọn Bệnh viện Bà Rịa để điều trị căn bệnh xơ gan. Ông tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ, chất lượng dịch vụ y tế của bệnh viện. 

Ngày 22/2, ông Lâm được bác sĩ Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su do bệnh xơ gan của ông có biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản, nguy cơ vỡ, gây xuất huyết tiêu hóa nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Việc thắt tĩnh mạch thực quản của ông Lâm được các bác sĩ thực hiện trong vòng 10 phút. Sau khi thắt xong, ông Lâm nói: “Trình độ của bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa ngày càng cao. Bệnh viện gần nhà nên tiện lợi trong việc điều trị và chăm sóc, giảm được nhiều chi phí”.

Bác sĩ Dương Tấn Quân, Trưởng Khoa Nội soi cho biết, thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su là kỹ thuật tuyến trung ương được Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) triển khai 4 năm qua. Trước đây, những trường hợp như ông Lâm đều phải chuyển lên tuyến trên, gây khó khăn cho người bệnh. Từ khi triển khai kỹ thuật này, trung bình mỗi năm, khoa thực hiện 40 ca, người bệnh được điều trị tại địa phương, giảm quá tải cho đơn vị y tế tuyến trên. “Ngoài kỹ thuật này, Khoa Nội soi còn triển khai kỹ thuật cắt các dạng polyp đại tràng, gắp các dị vật đường tiêu hóa của tuyến trung ương nhằm phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn”, bác sĩ Dương Tấn Quân nói.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, 5 năm trở lại đây, đơn vị đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật tuyến trên. Bệnh viện thực hiện được 575 kỹ thuật tuyến trên, chiếm 25% tổng số kỹ thuật triển khai tại đơn vị. Trong số này, bệnh viện tập trung phát triển kỹ thuật tại các khoa mũi nhọn như: Hồi sức, nội soi, ung bướu, tim mạch can thiệp, chấn thương chỉnh hình…

2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu chuẩn bị chụp MRI cho bệnh nhân.
2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu chuẩn bị chụp MRI cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Dương Thanh, Bệnh viện Bà Rịa có nhiều lợi thế để triển khai các kỹ thuật cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của bệnh viện tương đối hiện đại. Trình độ chuyên môn và tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng nâng cao. Không những vậy, việc phát triển chuyên môn cao, tiếp cận với các kỹ thuật mới, hiện đại còn là nhiệm vụ, xu thế tất yếu của nền y học hiện đại. Bác sĩ Dương Thanh khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi khi áp dụng kỹ thuật chuyên sâu nhằm phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân, giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh”.

Là bệnh viện đa khoa hạng 2 nhưng đến nay Bệnh viện Vũng đã Tàu triển khai 576 kỹ thuật tuyến trung ương. Đây cũng là giải pháp trọng tâm để Bệnh viện Vũng Tàu nâng cao chất lượng KCB và chăm sóc bệnh nhân. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với các dịch vụ y tế công.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) so sánh, nếu như trước đây, khi có các bệnh viện bị sốc nhiễm trùng, viêm tủy cấp nặng, hay ngộ độc thì bác sĩ của khoa chỉ điều trị cho người bệnh bằng thuốc hoặc chuyển lên tuyến trên. Do đó, chất lượng điều trị chưa được cao. Thế nhưng, mấy năm nay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thực hiện kỹ thuật lọc máu thay huyết tương và lọc máu liên tục trong sốc nhiễm trùng, viêm tủy cấp nặng, ngộ độc. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Không phải chuyển đến các cơ sở y tế khác nên bệnh nhân được Bệnh viện Vũng Tàu điều trị trong thời gian sớm nhất. Hơn nữa, việc sử dụng các máy móc hiện đại như máy lọc máu liên tục đã lọc phần lớn độc tố gây hại cho cơ thể ra bên ngoài. Vì vậy, hiệu quả điều trị cao hơn, giảm thời gian nằm viện cho người bệnh. “Chúng tôi thực hiện thuần thục được 2 kỹ thuật này nhưng vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức mới để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân”, bác sĩ Vũ Thị Phương Nga nói.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho người dân.

Tiếp tục phát triển các chuyên khoa mũi nhọn

Bác sĩ Dương Thanh cho rằng, để làm hài lòng người bệnh, bệnh viện cần nhiều yếu tố về cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị, hóa chất y tế; thái độ ứng xử của nhân viên y tế, giải quyết thủ tục hành chính… Song có 2 vấn đề quan trọng là chất lượng đội ngũ y, bác sĩ và dịch vụ y tế có tính chất quyết định sự hài lòng của bệnh nhân. Do vậy, thời gian qua, Bệnh viện Bà Rịa đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế từ các lớp học ngắn hạn vài tháng đến các lớp dài hạn như đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và sau ĐH. Đây còn là cơ sở để bệnh viện phát triển nhiều kỹ thuật hơn nữa trong tương lai.

Năm 2024, Bệnh viện Bà Rịa có kế hoạch trình các cấp phê duyệt nâng cấp lên bệnh viện hạng 1. Trong đó, bệnh viện có các đề án phát triển các chuyên khoa ung bướu, nâng từ 40 giường lên 60 giường bệnh ở khoa này vào năm 2025. Khoa Ung bướu còn mở rộng thêm kỹ thuật về ung thư vú, đường tiêu hóa, phụ khoa. Song song đó, Bệnh viện Bà Rịa còn phát triển đơn nguyên đột quỵ, can thiệp mạch máu não… "Chúng tôi chủ động bảo trì, sửa chữa hệ thống thiết bị, mua sắm và cung ứng thuốc, vật tư y tế để phục vụ công tác chuyên môn và phục vụ người dân. Nhân viên y tế phải nâng cao kỹ năng giao tiếp, đổi mới thái độ, làm hài lòng bệnh nhân”, bác sĩ Dương Thanh chia sẽ.

Bác sĩ Trần Ngọc Triệu, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; nêu cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế và hài lòng của người bệnh. Các cơ sở y tế cần đẩy mạnh thực hiện bệnh viện vệ tinh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; phát triển mạnh công tác chuyển đổi số trong KCB, trong đó có KCB từ xa. Các đơn vị cần hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở để hình thành mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng Đông Nam Bộ với các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao như ung thư, tim mạch, đột quỵ, ngoại chấn thương, sản khoa, nhi khoa.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.