Khi đến với hôn nhân, một công việc đầu tiên mà người ta nghĩ đến là “sinh con đẻ cái”, nối dõi tông đường. Ước mơ này hoàn toàn chính đáng, rất đáng hoan nghênh, vì có như thế sự sống mới được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Một khi đã có con, hầu hết các bậc phụ huynh đều nhận thấy rằng, khi nuôi dạy con chính thức cũng là lúc tự mình sửa lấy mình. Có những lúc chính trẻ em đã hướng thiện người lớn. Ta sẽ cảm thấy xấu hổ nếu phải đối thoại, trò chuyện với trẻ em bằng những ngôn từ phù phép, xảo trá. Do đó, giữ cho mầm non thánh thiện ấy, không phải bầm dập trước cuồng phong bão táp của đời sống chính là trách nhiệm của người lớn chúng ta.
Trẻ em là người chịu tổn thương nhiều nhất khi cha mẹ ly hôn. Ảnh minh họa |
Nói ra điều này, chúng ta chạnh lòng khi nghĩ đến những đứa trẻ không được trong vòng tay êm ấm của ba mẹ, cùng chung sống với một mái gia đình. Sự chia tay ly hôn của người lớn, bi kịch lớn nhất không phải dành cho họ mà chính là con của họ phải gánh chịu.
Sau nhiều năm chung sống, do bất đồng quan điểm về vấn đề vợ chồng, anh bạn tôi quyết định chia tay nhau. Do cùng nghĩ đến con, nhất là con đang tuổi ăn tuổi học còn khờ khạo cả hai quy ước: khi nào con tốt nghiệp đại học thì “nửa kia/ nửa này” mới được quyền đi bước nữa. Sở dĩ như thế vì họ lo ngại con cái khó chấp nhận người đàn ông/đàn bà khác không phải bố/mẹ mình lại ở chung nhà. Đó là chưa kể có những người rắp tâm muốn “hốt ổ”, muốn “tăm tia” cả cô con gái mà vợ mình có được với người chồng trước. Ngược lại, người phụ nữ cũng sợ khi con mình sống với vợ sau của chồng, người đó lại đối xử với con mình không tốt, thậm chí ngược đãi hành hạ. Do đó, vợ chồng bạn của tôi mới đặt ra “quy ước” như vậy, họ đồng thuận chỉ vì nghĩ tới tương lai của con. Đây cũng là một cách thức tốt nhằm bảo vệ con mình khi cả hai không còn chung sống với nhau.
LÊ MINH QUỐC