Tăng lương tối thiểu vùng, công nhân phấn khởi

Thứ Năm, 11/01/2024, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng lên 6% và trình Chính phủ xem xét áp dụng từ ngày 1/7/2024 đã mang lại niềm vui, động lực cho hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh. Lương tối thiểu vùng tăng không chỉ giúp họ giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay mà còn thêm gắn bó lâu dài với DN.

Thông tin tăng lương tối thiểu vùng khiến người lao động đang làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh rất mừng.
Thông tin tăng lương tối thiểu vùng khiến người lao động đang làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh phấn khởi. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1, XT.Phú Mỹ) trong giờ sản xuất.

Giảm bớt khó khăn cho NLĐ

Những ngày này, chị Bùi Thị Đường, công nhân tại một công ty dệt may trên địa bàn TX.Phú Mỹ không khỏi lo lắng trước nhiều khoản chi phí cho Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Đường cho biết, nhiều năm làm công nhân, lương cơ bản cộng với tiền làm thêm giờ của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị đều làm công nhân, đang nuôi 2 con nhỏ nên anh chị phải co kéo lắm mới đủ chi tiêu. 

“Thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng trong thời điểm vật giá đều tăng khiến chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu tối đa, chỉ dám chi những khoản thật cần thiết. Biết thông tin tăng lương tối thiểu vùng, tôi rất mừng. Với chúng tôi, việc tăng thêm dù chỉ 100 ngàn đồng/tháng cũng là rất cần thiết”, chị Đường nói.

Tương tự, chị Nguyễn Lệ Thủy, công nhân tại KCN huyện Châu Đức rất phấn khởi. Mức lương cơ bản cộng với các khoản phụ cấp của chị Thủy hiện chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị Thủy chia sẻ: “Thông tin tăng lương khiến tôi và nhiều công nhân rất vui. Lương tăng đồng nghĩa việc một số khoản phụ cấp, chế độ khác của chúng tôi cũng tăng. Khoản tiền tăng thêm này sẽ giúp trang trải phần nào chi phí sinh hoạt. Tôi mong chính sách này sớm được thông qua để chúng tôi có thêm động lực làm việc tốt hơn nữa”.

Trao đổi về thông tin dự kiến tăng lương tối thiểu vùng theo quy định, bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH ETOP Việt Nam (KCN Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết: “Công ty đang trả lương cơ bản theo quy định lương tối thiểu vùng (bình quân 6,1 triệu đồng/người/tháng). Theo tôi, Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu 6% lúc này rất cần thiết bởi mặt bằng giá tiêu dùng liên tục tăng”.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Việc làm-Lao động-Tiền lương (Sở LĐTBXH) cho biết, các DN trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng buộc phải điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn. Do đó, chỉ còn một số ít DN trên địa bàn buộc phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khi đề xuất được thông qua, trong đó chủ yếu là các DN lĩnh vực may mặc, giày da.

Cơ sở đàm phán lương cơ bản

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án tăng lương tối thiểu 6% (tương ứng tăng từ 200-280 ngàn đồng/tháng) so với mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng từ ngày 1/7/2024 để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất tiếp tục sử dụng phương pháp xác định mức lương tối thiểu theo giờ dựa trên cơ sở quy đổi từ mức lương tối thiểu theo tháng tương ứng với số giờ theo thời gian làm việc tiêu chuẩn được quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Mức lương tối thiểu vùng theo giờ được đề nghị tăng, cụ thể như sau: vùng I là 23,8 ngàn đồng; vùng II: 21,2 ngàn đồng; vùng III: 18,6 ngàn đồng và vùng IV: 16,6 ngàn đồng.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng ở vùng I, gồm: TP.Vũng Tàu, Phú Mỹ; vùng II là TP.Bà Rịa; vùng III gồm các địa phương còn lại.

Ông Nguyễn Châu Trinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, năm 2023, một số DN gặp khó khăn về đơn hàng và thị trường... phải điều chỉnh quy mô sản xuất, giảm, giãn thời gian làm việc, cho NLĐ nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là các DN thuộc ngành xây dựng, dệt may... Tuy nhiên, các DN vẫn nỗ lực tìm đơn hàng để ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho NLĐ. Đến nay, đa số NLĐ bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động tại các DN đã có việc làm trở lại, số còn lại đang hưởng BHTN, chuyển dịch sang khu vực phi chính thức hoặc chuyển về địa phương khác làm việc.

Trong bối cảnh ấy, Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia trong Hội đồng Tiền lương quốc gia để thương lượng phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Mức tăng 6%, nếu được Chính phủ thông qua là phù hợp với tình hình hiện nay. 

“Lương tối thiểu vùng là căn cứ để DN đóng BHXH cho NLĐ cũng như là căn cứ tính các khoản tiền thưởng, phụ cấp khác cho NLĐ. Đây còn là cơ sở để công đoàn cơ sở có phương án thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng tăng lương cơ bản cho NLĐ”, ông Nguyễn Châu Trinh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.