.

Trải nghiệm ấn tượng với số hóa bảo tàng

Cập nhật: 18:42, 05/01/2024 (GMT+7)

Chị Trần Thảo Nguyên và bạn bè (TP. Hồ Chí Minh) có dịp đến Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham quan. Đây là lần đầu tiên chị ghé thăm và đã rất thích thú trải nghiệm phần mềm số hóa tại Bảo tàng tỉnh, được vận hành thử nghiệm đầu năm 2024.

Du khách trải nghiệm không gian số hóa di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh.
Du khách trải nghiệm không gian số hóa di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh.

Tra cứu hiện vật trên không gian 3D

Chỉ với thao tác chạm nhẹ trên màn hình, chị Trần Thảo Nguyên và bạn bè đến từ TP. Hồ Chí Minh có thể ngắm nghía tổng quan, đa chiều các “báu vật” lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ. Đặc biệt, chị còn được tương tác, nghe các chuyên gia, các nhà sử học giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, hay những câu chuyện thú vị về hiện vật trưng bày tại đây. “Bảo tàng rất hiện đại, việc tra cứu bằng phần mềm số hóa tiện lợi, cung cấp cho khách tham quan nhiều thông tin cần thiết”, chị Thảo Nguyên chia sẻ.

Không gian số hóa bảo tàng tại Bảo tàng tỉnh do Sở VH-TT làm chủ đầu tư, đang được chạy thử nghiệm từ ngày 1/1/2024. Phần mềm có thiết kế 3D gồm 12 điểm tra cứu hiện vật tại các khu vực trưng bày hiện vật tư liệu  khiến du khách thích thú. Phần mềm còn được ứng dụng trên điện thoại thông minh. Du khách có thể tìm kiếm từ khóa “Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” trên APP STORE, hay trên Androind để trải nghiệm các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng theo từng nhóm chủ đề.

Ứng dụng số hóa di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên điện thoại thông minh.
Ứng dụng số hóa di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên điện thoại thông minh.

Anh Tô Hy Phương, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai bày tỏ: “Khách tham quan truy cập và khám phá dễ dàng, lựa chọn các đối tượng, chủ đề quan tâm, ưa thích; tự do khám phá bảo tàng như người nắm giữ bảo tàng thực sự. Người dùng còn có thể tương tác với mô hình hiện vật ở nhiều góc độ khác nhau; thông tin về các hiện vật cũng được hiển thị khiến chúng tôi rất ấn tượng”.

Hướng đến phát triển du lịch thông minh

Theo Sở VH-TT, thực hiện chủ trương số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số hiện vật của Bảo tàng tỉnh trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh đó, xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh nhằm đa dạng hóa các chương trình triển lãm, giáo dục di sản, giúp các em HS, SV nhận thức được những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Bà Rịa-Vũng Tàu. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững phù hợp với cơ sở dữ liệu của quốc gia.

Bảo tàng tỉnh hiện có 28 ngàn tư liệu, cổ vật, hiện vật trưng bày về các sự kiện và nhân vật lịch sử, cùng với sự phát triển của vùng đất này qua từng thời kỳ. Năm 2023, Nhà Bảo tàng tỉnh có 110.949 lượt khách tham quan mua vé và 43.207 lượt khách miễn phí. Bảo tàng mở cửa từ 8h đến 17h hằng ngày (riêng thứ Bảy, Chủ nhật, Bảo tàng mở cửa lúc 7h30 sáng). Giá vé là 40.000 đồng/người lớn; HS, SV được giảm 50%; trẻ em dưới 14 tuổi miễn phí.

Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng tỉnh, giúp người xem trải nghiệm chân thật nhất mà không cần đến tận nơi, không hạn chế về thời gian, không gian, phù hợp xu hướng của thế giới. Đồng thời, hỗ trợ công tác nghiên cứu, phục hồi các tiêu bản một cách nhanh nhất, phục vụ công tác quản lý, lưu trữ hay phục chế và trưng bày cổ vật, bảo vật. Từ đó, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

.
.
.