'Tiêu dùng thông minh' để tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là nỗi lo thường nhật của người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp Tết. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc phỏng vấn bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh về công tác này trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, những yếu tố nào sẽ gây nguy cơ không bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết?
- Bác sĩ Tiêu Văn Linh: Tết Nguyên đán là dịp người dân có nhu cầu mua sắm và sử dụng thực phẩm tăng cao. Cũng là thời điểm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất, lưu thông và phân phối một lượng lớn thực phẩm ra thị trường. Đây là cơ hội cho một số cá nhân, cơ sở lợi dụng để sản xuất các loại thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tung ra thị trường, lừa dối khách hàng và kiếm lời bất chính.
Cũng do nhu cầu sử dụng thực phẩm trong dịp Tết tăng cao nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nhập các mặt hàng, nguyên liệu thực phẩm, các sản phẩm từ nhiều nơi về bán cho người dân. Dịp Tết còn xuất hiện nhiều loại thực phẩm sản xuất theo thời vụ, đóng gói đơn giản như các loại mứt, bánh chưng, các sản phẩm từ thịt… do các hộ gia đình tự sản xuất. Những mặt hàng này không được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa.
Vào dịp Tết, người dân có thói quen trữ thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh, bảo quản thực phẩm để phục vụ nhu cầu cho gia đình và khách đến chơi. Đây cũng là những yếu tố nguy cơ gây mất ATVSTP.
* Từ những mối lo ngại trên, công tác bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết sẽ gặp những khó khăn, thách thức nào, thưa bác sĩ?
- Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có nhiều thế mạnh về du lịch. Vì vậy, vào dịp lễ, Tết, lượng khách du lịch đến với tỉnh rất đông. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhất là các mặt hàng chế biến sẵn. Nguồn hàng tại chỗ cung ứng không đủ nên một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải nhập các mặt hàng từ nhiều nơi khác về, gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo đảm ATVSTP.
Hệ thống kiểm tra ATVSTP của tỉnh đã được thành lập nhưng lực lượng còn mỏng, nhất là ở cấp cơ sở nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công tác này. Nhận thức của một số cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế như chưa đầu tư về cơ sở vật chất, sử dụng phụ gia, nguyên liệu hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không đáp ứng về kiến thức thực hành trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
* Thưa bác sĩ, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tỉnh sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào để bảo đảm ATVSTP?
- Nhằm bảo đảm an toàn, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội năm 2024.
Theo đó, đối với cấp tỉnh tổ chức 3 đoàn kiểm tra do 3 sở gồm: Y tế, Công thương và NN-PTNT chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị thực hiện. Các đoàn sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo… và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Các đoàn tập trung kiểm tra các đơn vị là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATVSTP, kiểm soát không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra do Sở Y tế chủ trì kiểm tra ATVSTP tại Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh minh họa |
Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về ATVSTP, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn… Việc này nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm ATVSTP.
* Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm trong dịp Tết?
- Người dân nên lựa chọn mua sản phẩm từ các cơ sở kinh doanh cố định, có địa chỉ rõ ràng, được phép kinh doanh và được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Khi mua các thực phẩm đóng gói cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ ghi trên sản phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có thông tin về sản phẩm và chất lượng sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn. Đối với các thực phẩm tươi sống, ngoài việc chọn sản phẩm có nguồn gốc, trong quá trình chế biến, người dân cần phải nấu chín thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm.
Người dân nên mua một lượng thực phẩm phù hợp, vừa đủ dùng, tránh tình trạng dư thừa nhiều phải bảo quản lâu ngày. Có dụng cụ và phương pháp bảo quản, lưu trữ thực phẩm khoa học, hợp vệ sinh, không để lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín, thực phẩm đã sử dụng và chưa sử dụng.
Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị nguồn thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Khi chế biến cần áp dụng nguyên tắc như kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm; các trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm, các cơ sở cần nhanh chóng báo cáo cho những cơ sở y tế gần nhất và phối hợp để thực hiện cấp cứu người bệnh, điều tra nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
* Xin cảm ơn ông!
TUỆ LÂM
(Thực hiện)