Phiên tòa giả định – "Lá chắn" để học sinh tự bảo vệ mình
Sinh động và thiết thực, Phiên tòa giả định được tổ chức ngay tại các cơ sở giáo dục đã đề cập tới những hành vi tưởng chừng như “không quá nghiêm trọng” nhưng lại gây ra hậu quả khôn lường. Qua đó, trang bị cho các em HS “tấm lá chắn” từ sự hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình tốt hơn.
Phiên tòa được tổ chức ngay tại sân trường của Trường THCS Huỳnh Khương Ninh. |
Trực quan dễ nhớ
Phiên toà giả định tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP. Vũng Tàu) đã tái hiện quá trình xét xử một vụ án từng xảy ngay tại địa bàn thành phố về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Đó là sự việc một người đàn ông thường xuất hiện quanh khu vực trường học dụ dỗ các em HS nữ đi chơi, thậm chí có hành vi đụng chạm vào vùng nhạy cảm của các em ngay trên đường.
Cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống, phiên toàn giả định tại Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) lại đề cập tới sự việc một nhóm thanh thiếu niên vì mâu thuẫn cá nhân đã có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm tham gia xô xát, đánh chém nhau, gây mất an ninh trật tự tại khu vực công cộng. Hành vi này đã khiến các bị cáo bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Đặc điểm chung của các phiên toà giả định là đều có sự tham gia của các cán bộ ngành Tòa án, Viện kiểm sát, các chiến sĩ Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an TP. Vũng Tàu. Điều khác biệt là “nhân vật” bị cáo, bị hại và những người có liên quan do chiến sĩ công an, HS, cán bộ quản lý, GV nhà trường “nhập vai”.
Nguyễn Phạm Thanh Thư, HS lớp 9A2, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, “diễn viên” đóng vai bị hại của vụ án chia sẻ: “Được sự động viên, tin tưởng của GV chủ nhiệm, em rất sẵn sàng tham gia mà không ngần ngại. Bởi em nhận thấy mình đang góp phần hỗ trợ nhà trường trong hoạt động tuyên truyền pháp luật. Trước khi phân vai, các thầy cô đã liên hệ xin ý kiến của ba mẹ em. Ba mẹ em rất ủng hộ em tham gia hoạt động ý nghĩa của nhà trường”.
Trong suốt quá trình diễn ra phiên toà giả định, các em HS chăm chú theo dõi nội dung vụ việc, diễn biến phiên toà. Thỉnh thoảng có tiếng xôn xao trước lời khai của “bị cáo”, đặc biệt là sự bất ngờ của nhiều HS khi hành vi mà trước đó, các em nghĩ rằng chưa gây hậu quả nghiêm trọng lại bị xử lý hình sự một cách nghiêm khắc.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều HS cho biết, phiên tòa giả định đã giúp các em có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Lần đầu trải nghiệm phiên toà giả định, Huỳnh Ngọc Như, HS lớp 9A3, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cho biết: “Phiên tòa giả định bám sát những vụ việc có thật nên chúng em dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật và hình dung được những mối nguy hiểm cũng như thủ đoạn của kẻ xấu để biết phòng tránh và bảo vệ bản thân”.
Còn em Nguyễn Văn Hiệp, HS lớp 9.8, Trường THCS Nguyễn An Ninh lại bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu tiên được trải nghiệm một phiên toà “y như thật”. “Phiên toà giả định với chủ đề “Gây rối trật tự nơi công cộng” đã giúp em nhận thức rõ hơn về tình trạng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên. Phiên toà giống như lời răn đe, nhắc nhở, khiến bản thân em và bạn bè biết suy nghĩ, cân nhắc trước những hành động của mình để không gây ảnh hưởng tới tương lai”, Hiệp nói.
Giúp học sinh thay đổi nhận thức
Tham gia phiên toà giả định, em Nguyễn Phương Vy, HS lớp 9A1 hào hứng: “Khác với cách tuyên truyền pháp luật truyền thống, phiên toà giả định là cách làm hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều. Đó không đơn thuần là kiến thức pháp luật được truyền tải một cách khô khan, cứng nhắc và nhàm chán, mà trở nên cực kỳ sinh động, trực quan và gần gũi với câu chuyện, tình huống cụ thể”.
Cô Nguyễn Thị Khánh Ngân, GV bộ môn Giáo dục Công dân, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cho hay, công tác giáo dục pháp luật cho HS trong nhà trường dù đã được quan tâm và có nhiều đổi mới nhưng còn khô cứng, thiếu thực tế. Phiên toà giả định là hình thức phổ biến pháp luật thiết thực, sinh động, phù hợp và cần thiết với sự phát triển tâm sinh lý của HS bậc THCS, nhất là với HS lớp 8, lớp 9. Ở đó, kiến thức pháp luật chung chung được thể hiện dưới dạng câu chuyện cụ thể, giúp HS khắc sâu hơn.
Cô Khánh Ngân cũng nhấn mạnh, trong giáo dục pháp luật cho HS ở trường học, khi GV đề cập tới những vấn đề được xem là tế nhị, đơn cử như xâm hại tình dục, các em HS chưa tiếp nhận một cách nghiêm túc, còn ngại ngùng hoặc thậm chí lấy ra làm trò đùa mà chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng và sự cần thiết. Phiên toà giả định đã giải quyết được tồn tại đó, hỗ trợ cho việc giảng dạy, phổ biến pháp luật trong trường học thuận lợi hơn.
Bà Phan Thị Hồng Lợi, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu cho biết, hiện nay, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng, có chiều hướng phức tạp cả về tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Đặc biệt, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hoá, đã len lỏi vào môi trường học đường. Đáng chú ý là tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Tuy chiếm tỷ lệ không cao trong tổng số án mà đơn vị đã giải quyết trong năm, song, số lượng bị cáo trong một vụ án rất đông (có vụ lên tới 58 bị áo), chủ yếu ở độ tuổi chưa thành niên. Các vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, mang tính bột phát. Thế nhưng, các bị cáo đã chuẩn bị hung khí như bom xăng, gây gộc, hành xử có tính chất côn đồ.
Theo Thẩm phán Phan Thị Hồng Lợi, được sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố, hiện nay, ngành Toá án đã và đang phối hợp với Phòng GD-ĐT tổ chức phiên toà giả định tại các trường THCS, THPT, góp phần phòng chống, ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn.
|
Thầy Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cho biết, chương trình nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Hoạt động được tổ chức với nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, được xem là một chương trình ngoại khóa cần thiết trong việc đổi mới giáo dục hiện nay.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh cho biết, phiên toà giả định là một trong số các hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức trong năm học này. Thông qua phiên toà giả định, các em HS không chỉ được giáo dục kiến thức pháp luật, mà còn giúp các em có được nhận thức đúng đắn về sự nghiêm minh của pháp luật để tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các em được mở rộng góc nhìn về những nghề nghiệp khác nhau.
HOÀNG DƯƠNG