Khơi nguồn giúp phụ nữ khởi nghiệp
Với nhiều cách làm thiết thực, Ban Chỉ đạo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939) các cấp ở huyện Châu Đức đã giúp nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Hội LHPN huyện Châu Đức hỗ trợ dê giống cho hội viên khó khăn ở thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc). |
Giúp phụ nữ phát triển kinh tế
Trước đây, gia đình chị Huỳnh Thị Mịn (SN 1986, thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh) sống dựa vào nghề trồng tiêu, cà phê và nuôi dê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết và giá không thuận lợi khiến thu nhập bấp bênh. Mong muốn phát triển kinh tế, chị Mịn tìm tòi và thử sức với mô hình trồng nấm bào ngư. Thiếu vốn đầu tư và kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế từ trại nấm mang lại không cao.
Tháng 4/2023, thông qua Hội LHPN huyện Châu Đức, chị Mịn vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để mở rộng quy mô trại nấm. Ngoài ra, chị Mịn cũng tích cực kiếm đầu ra, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, chị Mịn xây dựng 4 trại trồng nấm với diện tích khoảng 3.000m2, cho thu nhập mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng. Nhờ trại nấm mà kinh tế gia đình dần được cải thiện, chị Mịn có điều kiện nuôi con ăn học đầy đủ. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 3 phụ nữ tại địa phương.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuyến (ấp Trung Thành, xã Quảng Thành) là công nhân cao su về hưu, có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021, thông qua Hội LHPN xã Quảng Thành, bà Xuyến được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, chăn nuôi bò. Vốn có kinh nghiệm trong chăn nuôi, lại được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên chỉ sau 2 năm, đàn bò từ 10 con của gia đình đã phát triển lên 25 con. Nhờ nuôi bò, cuộc sống gia đình bà Xuyến dần ổn định. Bà Xuyến cũng được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò ấp Trung Thành với 10 hộ phụ nữ nuôi bò tham gia.
Hội LHPN huyện Châu Đức trao gà giống cho hội viên khó khăn ở xã Suối Rao. |
Khơi nguồn khởi nghiệp
Thực hiện Đề án 939, BCĐ các cấp ở huyện Châu Đức đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ như: vận động hội viên đăng ký thực hiện mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Thành lập tổ hợp tác, nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác có cơ hội học hỏi, nâng cao kiến thức để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công.
Đồng thời duy trì các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hoạt động có hiệu quả như mô hình khởi nghiệp “Nuôi gà ta thả vườn” tại xã Quảng Thành; mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nuôi dê sinh sản” tại xã Bình Ba; mô hình “Vườn ươm cây đinh lăng, hoa lan” ở xã Kim Long; mô hình “Hỗ trợ con giống” cho phụ nữ khó khăn và phụ nữ khuyết tật phát triển triển kinh tế.
Năm 2023, Hội LHPN huyện Châu Đức hỗ trợ giúp 32 phụ nữ khởi nghiệp với tổng số tiền 730 triệu đồng. Xây dựng 2 mô hình “Hỗ trợ phát triển trồng nấm bào ngư” và “Hỗ trợ phát triển trồng nấm linh chi” cho 33 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 881 triệu đồng. Qua mô hình đã tạo việc làm cho 40 lao động nữ phát triển kinh tế. Hướng dẫn vận động và thành lập 6 tổ hợp tác với 81 thành viên tham gia, gồm các tổ: nuôi dê, đan giỏ nhựa, nuôi bò sinh sản… Đến nay, có 36 tổ hợp tác với 375 thành viên, tổng đàn chăn nuôi của tổ hợp tác có 665 con bò, 1.051 con dê, 32 con heo nái. |
Ngoài ra, Hội LHPN huyện tổ chức đưa đoàn 30 cán bộ hội đi học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau thủy canh, atisô và các sản phẩm OCOP.
Theo bà Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ địa phương, tạo ra giá trị và sản phẩm mới, Hội LHPN huyện luôn đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện để chị em phát huy truyền thống, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên làm giàu.
Bà Huyền chia sẻ: “Hội LHPN huyện sẽ xây dựng các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phối hợp các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm. Giúp phụ nữ tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, chương trình, dự án cũng như nhân rộng mô hình hiệu quả”.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN