.

Con đặc biệt như hoa mai!

Cập nhật: 17:12, 26/01/2024 (GMT+7)

Một buổi sáng đẹp trời, tôi chuẩn bị đưa những đứa trẻ của mình ra vườn trường chơi. Các cháu vô cùng thích thú. Trước khi ra sân, tôi hỏi các cháu: “Khi ra vườn hoa chơi, các con phải làm gì?”. Bé thì nói phải đi theo cô, bé lại nói phải đội mũ… Tôi nhìn các cháu và nói: “Các con nói đúng rồi! Đặc biệt các con phải nhớ kỹ không được hái hoa và lá đâu vì sẽ làm cho cây bị đau đấy”. Tin rằng cây hoa sẽ bị đau nên các bé đều hứa sẽ không hái hoa, bẻ lá. Vừa đi, tôi vừa giới thiệu các loài hoa đẹp trồng trong vườn cho trẻ: Đây là hoa hồng vàng, đây là hoa nhài, đây là hoa chiều tím…

Sắp đến Tết nên khu vườn trường đã được các bác bảo vệ trồng thêm nhiều cây hoa mới. Mỗi loại hoa một màu sắc làm cả khu vườn trông rất vui tươi, đầy sức sống. Trong sân trường có một chiếc chậu bằng gốm trắng có hoa văn cổ nhìn rất sang trọng. Nhưng cây trồng trong chậu chỉ có lá xanh mà không có hoa, những chiếc lá màu xanh nhợt nhạt không bắt mắt. Vì cây này không có hoa nên các bé chỉ xem một lát rồi đều bỏ đi ngắm cây hoa khác. Chỉ còn một mình bé H.A vẫn đứng đó. H.A là một học trò đặc biệt của tôi. Bé bị trở ngại trong giao tiếp. Bé vẫn có thể hiểu lời nói của mọi người, nhưng lại không diễn đạt được và hay bị mất tập trung. Bé cũng rất tự ti, nhút nhát. Nếu không ai nói chuyện cùng thì cả ngày bé sẽ im lặng.

Cô Nhị Quỳnh giới thiệu cho các bé về cây, hoa trong vườn trường.
Cô Nhị Quỳnh giới thiệu cho các bé về cây, hoa trong vườn trường.

Tôi đến bên cạnh và hỏi: “Con có muốn ra đằng kia chơi với các bạn không?” nhưng bé lắc đầu. H.A ít chơi với các bạn. Không phải vì bé không muốn, mà vì các bạn chưa đủ kiên nhẫn khi chơi với bé. Những đứa trẻ 3-4 tuổi còn quá nhỏ để biết quan tâm tới bạn mình. Vì vậy, trừ những lúc trò chuyện cùng cô giáo, ở trên lớp H.A không có bạn. Mỗi khi thấy bé buồn tôi đều muốn đến ôm bé an ủi. Thế nhưng, lớp học có đến 37 cháu mà chỉ có 2 cô giáo nên nhiều khi công việc quá bận bịu khiến tôi không thể thường xuyên ở bên cạnh bé.

H.A đưa tay vuốt ve những chiếc lá cây. Có lẽ, bé cảm thấy cái cây này giống với bé - cô đơn không có bạn. Hai cô trò đang ngắm cây thì bác bảo vệ đi đến với một chiếc kéo tỉa. Bác bắt đầu tuốt lá và cắt cành của cái cây này. Bác cười nói : “May mà nhớ ra không thì năm nay trường ta không có hoa mai chơi Tết rồi!”. Bỗng bé H.A giật giật tay tôi, nói với giọng đầy lo lắng: “Đau! Đau!”. Tôi hỏi con đau chỗ nào thì bé lại chỉ vào cái cây mà lúc này bác bảo vệ đã tuốt hết lá, cắt cành thừa trụi lủi chỉ còn trơ lại thân và những cành khẳng khiu trông rất tội nghiệp. Tôi chợt hiểu bé đang lo lắng cây mai bị đau khi tuốt lá cắt cành. Tôi nói với bé: “Con đừng lo! Bác bảo vệ làm vậy để cây mai ra hoa và ra lá mới đấy! Trong muôn hoa, có loài hoa ngày nào cũng nở như hoa mười giờ, hoa hồng… Nhưng cũng có loài mỗi năm chỉ nở vào vài ngày Tết thôi, giống như hoa mai vậy. Hoa mai tuy chỉ nở có vài ngày nhưng lại là loài hoa đẹp nhất trong mùa xuân miền Nam!”.

Tôi đọc cho bé nghe đoạn thơ nói về vẻ đẹp của hoa mai: “Phương Nam chuộng nhất giống hoa này/Mỗi độ Xuân về nở đẹp thay...”

Tôi cười và nói: “Cũng giống như con và các bạn vậy! Có những bạn biết nói sớm, hát hay đọc thơ hay, luôn được mọi người khen ngợi. Còn con, dù con chậm nói một chút nhưng chỉ cần con cố gắng rồi cũng sẽ giao tiếp tốt. Hoặc qua thời gian, mọi người sẽ tìm ra tài năng ẩn sâu trong con!”. Bé lấy tay chỉ vào mình như muốn hỏi bé có tài năng gì? Tôi nói: “ Cô sẽ quan sát và tìm hiểu tài năng của con. Khi nào thấy sẽ nói với H.A ngay nha!”. Hai cô cháu đập tay hứa, bé vui hơn rất nhiều. Cả lớp cũng kết thúc buổi dạo chơi về lớp.

Sau ngày hôm đó, nghe mẹ H.A kể, mỗi khi được đón về, bé đều ghé qua xem cây mai trong vườn trường đã nở chưa. Trong những cuộc trò chuyện của hai cô trò, tôi nói với bé: “Khi Tết đến hoa sẽ nở. Lúc đấy con đã được nghỉ Tết rồi. Nhưng nếu thích, con có thể nói ba mẹ chở con vào trường để xem cây hoa mai”. Bé gật đầu vui vẻ. Có lẽ năm nay, trường tôi sẽ đón một vị khách nhí đến thăm vào ngày đầu năm mới!

PHAN THỊ NHỊ QUỲNH
(GV Trường MN Châu Thành, TP. Vũng Tàu)

.
.
.