.

Ngứa - biểu hiện của nhiều bệnh lý nghiêm trọng

Cập nhật: 17:03, 26/01/2024 (GMT+7)

Ngứa là biểu hiện của một vấn đề nào đó liên quan trực tiếp đến sức khỏe; trong đó nhiều nguyên nhân từ các bệnh lý nghiêm trọng.

Một trong những biểu hiện của ngứa do dị ứng.
Một trong những biểu hiện của ngứa do dị ứng.

Các nguyên nhân gây ngứa

Ngứa do da khô: Xảy ra với những người sống ở những vùng có khí hậu khô, lạnh, độ ẩm không khí thấp, những người lớn tuổi, da đã lão hóa, những người hay tắm bằng loại xà bông có tính sát khuẩn mạnh, những người có thói quen tắm nước nóng. Đặc điểm của chứng ngứa này là trên bề mặt da không nổi mụn. Khi gãi, da bong tróc những vảy mịn rất nhỏ, màu trắng. Cơn ngứa thường không kéo dài và nếu đang ngứa, chỉ cần lấy khăn nhúng nước lạnh đắp lên sẽ thấy giảm ngay.

Ngứa do dị ứng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngứa do dị ứng, chẳng hạn như đồ ăn thức uống. Có người chỉ cần ăn vài hột đậu phộng, một miếng cá ngừ hoặc uống một chút rượu là ngứa. Có người ngứa nếu ngửi thấy mùi nước hoa hoặc sử dụng mỹ phẩm… Đặc điểm của ngứa dị ứng thường là ngứa toàn thân và ngứa dữ dội, da nổi mẩn đỏ, không có hình dạng nhất định (gọi là nổi mề đay). Nếu dị ứng nặng, nạn nhân có thể tử vong do phù thanh quản, ngừng tim, suy hô hấp. Bên cạnh đó, dị ứng với thời tiết cũng gây ngứa, chẳng hạn như nắng nóng kéo dài khiến các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Khi ấy sẽ xuất hiện những mảng mụn đỏ ở cổ, ngực, bẹn, nếp nhăn ở khuỷu tay, hoặc nếu trời quá lạnh, da khô, các mạch máu nhỏ dưới da co lại gây kích thích lớp biểu bì dẫn đến ngứa.

Ngứa do bệnh lý: Với người bị ghẻ, con cái ghẻ đào hầm dưới da để đẻ trứng nên gây ngứa dữ dội, nhất là vào ban đêm, hoặc bị các bệnh như viêm nang lông, viêm tuyến bã nhờn, viêm kẽ, bệnh tổ đỉa, bệnh chàm…, nhưng ngứa chỉ khu trú ở vùng da bị bệnh.

Nếu người bệnh bị suy giảm chức năng thận do các bệnh về thận, chất độc không đảo thải hết ra ngoài qua nước tiểu, người bệnh vừa phù, vừa ngứa toàn thân. Các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, rối loạn chức năng gan cũng gây ngứa mà nguyên nhân là tế bào gan bị tổn thương dẫn đến suy yếu chức năng chuyển hóa. Bệnh càng nặng thì ngứa càng tăng, đi kèm với vàng da, vàng mắt, vàng lòng bàn tay. Ngứa còn là biến chứng của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở dưới da, ngăn cản quá trình cung cấp dưỡng chất cho da khiến da trở nên khô, sần, ngứa. Những bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV,… cũng khiến toàn thân bị ngứa.

Ngứa do rối loạn tuyến giáp: Cường giáp hoặc suy giáp đều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến mất cân bằng hệ miễn dịch. Hậu quả là da xuất hiện các nốt mẩn đỏ như bị muỗi đốt và rất ngứa. Tương tự như vậy, sự mất cân bằng các chất nội tiết (hormone) sẽ dẫn đến những cơn bốc hỏa (mặt nóng bừng, mắt nhìn mờ, nặng đầu, choáng váng, vã mồ hôi) kèm theo ngứa. Phụ nữ mang thai bị ngứa phần lớn do rối loạn tuần hoàn hoặc do thai nhi phát triển khiến tử cung to lên, dẫn đến lượng hormone thay đổi. Phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh là nhóm người thường bị ngứa toàn thân cùng những cơn bốc hỏa mà nguyên nhân cũng là lượng hormone trong cơ thể suy giảm.

Đề phòng và điều trị ngứa

Khi bị ngứa do muỗi đốt, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, công việc nên phải ngâm chân, tay hoặc thân thể trong nước bẩn thì có thể chữa tại nhà bằng các loại kem chống ngứa bôi ngoài da, kết hợp với việc giữ vệ sinh thân thể, giữ cho da luôn thoáng mát khi trời nóng hoặc giữ ấm nếu trời lạnh. Hạn chế gãi vì có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Nếu bị ngứa do dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý như đã nêu ở trên thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm nhằm có hướng điều trị nguyên nhân gây ngứa.

Ths, Bs CK II NGUYỄN VĂN ÚT
(Khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Hùng Vương, TP.HCM)

.
.
.