.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Phấn khởi nhiều, băn khoăn không ít!

Cập nhật: 19:49, 18/12/2023 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa quyết định phương án tổ chức kỳ thi và cách xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án “2+2” với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.

HS lớp 11 Trường THPT Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) trong một tiết học.
HS lớp 11 Trường THPT Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) trong một tiết học.

Giảm áp lực thi cử

Phương án “2+2” nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo HS, GV. Em Lê Quang Liêm, HS lớp 11A1, Trường THPT Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) chia sẻ: “Chúng em sẽ là lứa HS đầu tiên dự thi tốt nghiệp THPT chỉ với 4 môn. Thông tin này khiến em cảm thấy phấn khởi, vì giảm áp lực thi cử. Chúng em được chủ động lựa chọn và dành thời gian ôn tập các môn sở trường nên kết quả thi chắc chắn sẽ khả quan hơn”.

Còn em Phạm Ngọc Thủy Tiên, HS lớp 11A5, cùng Trường THPT Hắc Dịch thì cho hay, với phương án thi hiện hành, HS phải thi tới 3 môn bắt buộc và 1 trong 2 bài Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (mỗi bài có 3 môn thi thành phần). Như vậy, các em sẽ phải thi cả những môn không phải thế mạnh và cũng không sử dụng vào xét tuyển ĐH. Thủy Tiên dự kiến sẽ xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ IELTS và kết quả học bạ, đồng thời nộp hồ sơ du học. Do đó, theo Thủy Tiên, phương án thi tốt nghiệp từ 2025 khá nhẹ nhàng, đặc biệt phù hợp với những thí sinh dự thi THPT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp như em.

Cũng đồng tình với phương án thi “2+2”, ông Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc cho rằng, việc đưa Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn sẽ tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng trong dạy và học. Khi không bị gò bó bởi áp lực thi gì học nấy, thi gì dạy nấy, GV và cả HS sẽ có cơ hội dạy và học một cách thực chất với cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, thay vì chỉ có kỹ năng đọc, viết như hiện nay.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, phương án thi tốt nghiệp vừa công bố còn giúp cho việc thực hiện Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông từ lớp 3 tới lớp 12 trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả, đúng với tinh thần Nghị quyết đề ra. “Cùng với đó, hiện nay, hầu hết các trường ĐH, SV muốn ra trường phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Do đó, không thể vì ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong thi tốt nghiệp THPT mà HS lơ là môn học này”, ông Minh đề nghị.

Vẫn còn băn khoăn

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có nhiều GV bày tỏ sự băn khoăn với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.

Hiệu trưởng một trường THPT cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 nếu chỉ nhằm giảm áp lực và chi phí thì chưa phù hợp. Bởi trong bối cảnh tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT trên cả nước đạt gần 99% như những năm gần đây và các trường ĐH cũng đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh thì cách làm tốt nhất để giảm áp lực và chi phí phải là xóa bỏ kỳ thi này. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng: “Phương án tổ chức kỳ thi với mục đích giảm chi phí không phải mục tiêu của giáo dục”.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) thì bày tỏ sự trăn trở khi phương án thi dường như đang đi ngược lại xu thế của thời đại. Ngoại ngữ vốn là bài thi bắt buộc nay trở thành môn thi tự chọn. “Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khi ngoại ngữ trở thành môn tự chọn thì phong trào học ngoại ngữ sẽ đi xuống. Bởi tâm lý của phụ huynh, HS hiện nay vẫn là thi gì học nấy, không thi không học”, ông Thiện chia sẻ. Nhiều cán bộ quản lý, GV khác băn khoăn về hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới, cũng như phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Chỉ ra những ưu điểm của phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) bày tỏ sự lo lắng vì với phương án này, HS sẽ học lệch ngay từ năm lớp 10. Bởi khi đã xác định được 4 môn thi tốt nghiệp, các em có thể sẽ lơ là, bỏ bê các môn học khác. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho GV trong quá trình giảng dạy. Cùng với đó còn là khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức ôn thi.

Từ năm 2025 trở đi, HS sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng 2 môn tự chọn trong số 9 môn học ở lớp 12, đó là: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Với phương án “2+2”, số buổi thi sẽ giảm xuống còn 3 buổi, thay vì 4 buổi với 6 môn thi như phương án hiện hành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, phương án thi 4 môn vừa giảm áp lực thi cử cho HS vừa giảm chi phí cho gia đình HS và xã hội. Không những vậy, việc giảm môn thi còn làm kỳ thi trở nên gọn nhẹ hơn.

Đặc biệt, khi Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập có hiệu lực, biên chế GV được tính theo số lượng HS/lớp theo vùng thì khó khăn càng thêm khó. Lúc này, trường THPT được bố trí tối đa 2,25 GV/lớp; mỗi lớp bình quân 45 HS. Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng HS/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thì phải trình UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng HS/lớp phù hợp với thực tế. Theo nhiều cán bộ quản lý, việc bố trí số lượng HS/lớp và GV đứng lớp để ôn thi chắc chắn sẽ phát sinh nhiều bất cập.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.