.

Giúp học sinh hình thành khả năng tự hướng nghiệp

Cập nhật: 18:09, 29/12/2023 (GMT+7)

Giáo dục hướng nghiệp lâu nay vẫn là bài toán khó với các trường THCS, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ThS. Nguyễn Công Kỳ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh đến việc cung cấp đầy đủ “thông tin nền” để giúp HS hình thành khả năng tự hướng nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ của công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS là gì?

- ThS. Nguyễn Công Kỳ: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin và số hóa, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, xã hội và ngành nghề, tạo ra những thay đổi đáng kể trong các ngành nghề và yêu cầu những kỹ năng mới. Vì vậy, giáo dục hướng nghiệp cần thích ứng với xu hướng này và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới của công nghệ.

Nhiệm vụ của trường THCS là giáo dục HS có ý thức, thái độ tích cực về lao động, nghề nghiệp, việc làm; hướng dẫn HS khám phá sở thích, năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Đồng thời, giáo dục HS hình thành, phát triển các kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, khủng hoảng, hợp tác và chia sẻ.

Nhà trường cũng là nơi tạo môi trường, tổ chức cho HS làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp, việc làm cơ bản phù hợp với điều kiện của trường. Ngoài ra, cần tư vấn, định hướng và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp, việc làm cho HS phù hợp với các ngành, nghề dự kiến lựa chọn; cung cấp cho HS các thông tin, học liệu, tài liệu liên quan đến công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, tài liệu về kinh tế xã hội địa phương tại tỉnh nhà.

Nhiều thông tin về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng chưa phổ biến rộng rãi đến đối tượng cần tiếp cận là phụ huynh và HS THCS.
Nhiều thông tin về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng chưa phổ biến rộng rãi đến đối tượng cần tiếp cận là phụ huynh và HS THCS.

Trở ngại mà các trường THCS đang gặp phải trong hướng nghiệp là gì, thưa ông?

- Hầu hết các trường THCS ở Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tư vấn hướng nghiệp cho HS. Tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế về quy mô, chất lượng và sự chuyên nghiệp. Mặc dù đã được triển khai nhưng thông tin về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng như: thị trường lao động, ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo nghề, chính sách đối với người học… chưa đến được cấp cơ sở, chưa phổ biến rộng rãi đến đối tượng cần tiếp cận là phụ huynh và HS. GV làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS chưa được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ tư vấn hướng nghiệp, còn hạn chế về nghiệp vụ.

Và không thể không kể tới áp lực từ gia đình và xã hội. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân HS. Một khó khăn khác là sự thiếu liên kết giữa HS với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực tế. HS thiếu kinh nghiệm thực tế và cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc có thể làm giảm sự tự tin và hiểu biết về các ngành nghề. Các cơ sở đào tạo nghề chưa thật sự hấp dẫn để thu hút được HS tham gia học nghề.

Vậy các trường THCS cần làm gì để nâng cao chất lượng hướng nghiệp, thưa ông?

- Để đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp của HS THCS từ 12-15 tuổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, cần phải có chương trình giáo dục phù hợp. Khi tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường, nên cập nhật và điều chỉnh chương trình giảng dạy để phản ánh các xu hướng công nghệ mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ năng mềm… và nhu cầu thị trường lao động.

Trong việc cung cấp thông tin và tư vấn hướng nghiệp, cần tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp thường xuyên để giúp HS hiểu rõ về các ngành nghề và lĩnh vực công việc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ở đó có thông tin đa dạng về các ngành nghề mới nổi, xu hướng công nghệ và cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài.

Ở Việt Nam, HS THCS thiếu kỹ năng tự lập, phụ thuộc nhiều vào gia đình, thường thiếu kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng lập kế hoạch, khả năng tự tìm hiểu thông tin về tuyển dụng và xây dựng mạng lưới liên kết trong lĩnh vực nghề nghiệp mà các em quan tâm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuẩn bị và đạt được mục tiêu nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường có thể mời các chuyên gia, doanh nhân và những người thành công trong các lĩnh vực để tổ chức hội thảo và nói chuyện với HS. Điều này giúp HS có cái nhìn sâu hơn về các ngành nghề và nhận được lời khuyên từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực.

Đồng thời, cần tạo điều kiện cho HS thực hành và trải nghiệm thực tế. Các hoạt động như thực tập, chương trình học việc và sự hỗ trợ từ doanh nghiệp có thể giúp HS có cái nhìn thực tế về công việc và phát triển kỹ năng cần thiết. Nhà trường cũng nên tích cực đào tạo và phát triển các kỹ năng mềm cho HS thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khoá, CLB và dự án học tập.

Nhìn chung, giáo dục hướng nghiệp tại trường THCS trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần tập trung giúp HS hiểu rõ về các ngành nghề và lĩnh vực công việc, các ngành mới xuất hiện, phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, đặc biệt là dần hình thành cho các em khả năng tự hướng nghiệp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HOÀNG DƯƠNG (Thực hiện)

.
.
.