.

Rắc rối từ... đám cưới

Cập nhật: 15:40, 29/12/2023 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên nhiều cô dâu, chú rể đã quyết định chọn thời điểm đám cưới diễn ra vào ngày đầu năm. Điều này ngày càng trở nên bình thường, vì trước đây phải xem ngày lành tháng tốt, cân nhắc chán chê. Mọi việc diễn ra trong ngày trọng đại đó nhất nhất phải tuân theo “chỉ đạo” của... thầy bói. Thí dụ như có việc “xưa như trái đất” tưởng chừng đã lạc hậu nhưng khi họ “phán” vẫn còn có người tin theo, ấy là tuổi tác “hai đứa” có hạp nhau không? Nếu không hạp, biện pháp “khắc phục” có thể là ngày đó cô dâu, chú rể phải chọn màu áo gì? Chọn ngày nào tổ chức cho “hanh thông”? Xuất hành lúc mấy giờ? Chọn ai là người chủ hôn, tuyên bố lý do cho “mát tay”? Nếu cô dâu đứng cao hơn chú rể về sau dễ “ăn hiếp”chồng, vậy phải giải quyết ra làm sao? Ối dào, hàng trăm chuyện hằm bà lằng rối rắm chẳng có một cơ sở khoa học nào cả.

Một đám cưới hoàn hảo không thể không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Ảnh minh họa
Một đám cưới hoàn hảo không thể không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Ảnh minh họa

Bây giờ đã tiến bộ hơn khi gia đình cô dâu, chú rể chủ động chọn lấy ngày giờ mà họ cảm thấy phù hợp với công ăn việc làm và các quan hệ đối tác. Bước sang năm mới, không có gì thú vị hơn, hợp lý hơn khi mình chọn lấy những ngày trong tháng Giêng. Vì rằng, đầu năm mới là lúc ai ai cũng có tâm trạng hào ứng, phấn khởi và tràn trề hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn năm cũ. Nhiều nhà hàng phấn khởi khi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng tổ chức đám cưới vào dịp này.

Tuy nhiên, có lắm đôi uyên ương lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Do quan niệm đám cưới có ý nghĩa quan trọng nhất của đời người, nghi thức tổ chức luôn được bàn bạc chu đáo nên nhiều phụ huynh đã nhiệt tình… quá mức cần thiết! Họ cùng “xắn tay áo” hăm hở “vào cuộc” rất đỗi hăng hái, chỉ vì thương con, thương đến độ cứ ngỡ “nhân vật chính” là... mình!

Một trong những cái sự tranh cãi nhất vẫn là chọn nhà hàng nào? Có gia đình nhà trai vì kinh tế có phần eo hẹp, họ chỉ chọn nơi đãi tiệc cưới bình thường. Khi biết thông tin này, cô vợ tương lai “thông báo” lại cho nhà mình, thế là, bên đàng gái không ưng ý lắm. Qua con gái, họ “đánh tiếng” là nên chọn nhà hàng sang trọng bởi đối tác làm ăn của họ tầm cỡ “quan trên trông xuống, người ta trông vào” nơi nhà trai chọn lại không “xứng tầm”.

Mời dự đám cưới, thường ai cũng nghĩ chỉ nên mời bạn bè thân thiết hoặc những ai đang có mối quan hệ lâu dài trong công việc... Có như thế tiệc cưới càng chan hòa, ấm cúng và cũng là dịp mọi người cùng gặp gỡ chuyện trò thân mật. Rõ ràng danh sách có chọn lọc hẳn hoi nhưng khi “gút lại” chỉ thấy toàn khách khứa… của bố mẹ vợ/chồng! Cô dâu chú rể đi đứng mỏi cả chân đến từng bàn mời quan khách “nâng ly”, chụp hình lưu niệm nhưng chẳng biết ai vào ai để xưng hô cho phải phép!

Không chỉ phiền toái do phụ huynh tạo ra, có khi lại cho chính cô dâu, chú rể. Tôi còn nhớ lần nọ, sắp đến ngày cưới nhưng cô em lại sụt sùi than thở với vợ tôi. Chuyện rằng: Cô chọn nhà hàng-nơi “chàng” lần đầu tiên gặp “nàng” như một cách nhắc lại kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, hơn nữa ở đó có khuyến mãi phòng tân hôn miễn phí. Ngược lại, chú rể lại muốn tổ chức tại nhà hàng của người bạn chí cốt, đơn giản vì bạn không chỉ khuyến mãi đến hơn 20% mà còn hứa hẹn cho góp cổ đông sau này. Do “bất đồng quan điểm” nên cãi nhau là lẽ đương nhiên.

Thiết nghĩ, khi đãi tiệc tại nhà hàng nào, trước hết cần cân nhắc túi tiền, chứ đừng nghĩ đến sĩ diện hão. Anh bạn tôi từ quê vào Sài Gòn ăn học, sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định và quyết định chấm dứt ngày tháng độc thân. Với thu nhập khiêm tốn, lẽ ra phải “liệu cơm gắp mắm” nhưng anh lại nghĩ khác: “Ối dào! Đời người chỉ một lần cưới, việc gì phải so đo từng đồng?”. Thế là, anh chọn nhà hàng sang nhất, móc tiền túi “tài trợ” vé cho anh em, họ hàng ruột thịt ngoài quê ùn ùn vào dự. Do thiếu tiền nên anh đi vay thêm. Dù không thổ lộ tâm sự thầm kín ấy với vợ sắp cưới nhưng anh hào hứng suốt mấy ngày liền vì hy vọng sau đó, có thể lấy tiền mừng cưới trang trải. Hỡi ôi, sau đó, cả hai è lưng ra “cày” để mong có tiền trả nợ!

Ai cũng biết, cưới hỏi là chuyện không thể thiếu. Tuy nhiên, đó là nghi lễ nhằm hợp thức hóa mối quan hệ của “đôi bạn trẻ” về mặt pháp lý có sự chứng kiến của dòng tộc, gia đình, bè bạn đôi bên. Điều cốt lõi ấy mới quan trọng nhất.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.