Bệnh Uốn ván: Phòng ngừa tốt nhất là tiêm vắc xin
Uốn ván (hay còn gọi là phong đòn gánh) là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao do độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não, hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, bệnh bệnh có thể phòng ngừa nếu được tiêm vắc xin đầy đủ theo chỉ định, hướng dẫn của cơ quan y tế.
Giai đoạn toàn phát của bệnh uốn ván, bệnh nhân co cứng khiến cơ thể cong lên như chiếc đòn gánh. |
Nguy cơ và biểu hiện bệnh
Bệnh uốn ván có ở khắp mọi nơi, xảy ra bất cứ mùa nào trong năm, ai cũng có thể bị, đặc biệt là tại những nơi không tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng.
Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa trực khuẩn uốn ván thì dễ bị uốn ván hơn cả nếu không được trang bị bảo hộ như giày ủng, găng tay. Đó là người làm việc trong các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn, công nhân xây dựng, dọn dẹp rác rưởi…Với trẻ sơ sinh, việc cắt rốn không đúng quy trình, dụng cụ cắt rốn không được vô trùng tuyệt đối, thường gặp ở những vùng điều kiện chăm sóc y tế kém, hoặc do đẻ rơi, do chăm sóc rốn của trẻ sau khi cắt không tốt. Theo các số liệu thống kê, số người chết do nhiễm độc tố uốn ván nhưng không được chữa trị kịp thời là từ 25 đến 90%. Ở trẻ sơ sinh, con số này là 95%.
Khi đã nhiễm trực khuẩn uốn ván, bệnh không biểu hiện ngay mà thời gian ủ bệnh khá lâu, trải qua 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và khỏi bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này được tính từ lúc bị vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể từ 3 đến 21 ngày, đầu tiên là cứng hàm. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn này tính từ khi có biểu hiện đầu tiên là cứng hàm cho đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng, thanh quản. Thời gian này thường từ 1 đến 7 ngày, thởi gian khởi phát càng ngắn (dưới 2 ngày) thì bệnh càng nặng. Khi ấy người bệnh sẽ thấy hàm bị cứng, khó nhai, khó nuốt, khó há miệng.
Sau đó, sự co cứng lan ra các cơ quan khác như co cơ mặt khiến nếp nhăn trán rõ hơn, hai chân mày cau lại; co cứng cơ gáy khiến cổ bị cứng, đầu ngửa ra phía sau, co cứng cơ lưng; co cứng cơ bụng, co cứng cơ chi trên khiến tay luôn ở tư thế gập. Những cơn co cứng khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó vận động. Ngoài ra còn kèm theo sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…
Với trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván (gọi là uốn ván rốn), trẻ bình thường trong 2 ngày đầu sau khi chào đời, sau đó bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 (nhưng đa số thường phát bệnh vào 2 tuần lễ đầu tiên). Triệu chứng thường gặp là cứng hàm khiến trẻ không bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài 1 đến 3 tuần với các biểu hiện co cứng toàn thân, khó thở, tím tái, co thắt cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện, rối loạn thần kinh thực vật, da xanh tái, sốt cao 39, 40 độ hoặc hơn, đờm dãi tiết nhiều, vã mồ hôi, tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp tim hoặc có thể ngừng tim.
Giai đoạn khỏi bệnh: Nếu may mắn không tử vong vì đã được tiêm vắc xin ngừa uốn ván trước đó, những hiện tượng nêu trên sẽ giảm dần, miệng có thể há rộng, phản xạ nuốt trở lại, các chức năng cơ thể sẽ phục hồi sau vài tuần hoặc dài hơn tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Điều trị và phòng ngừa bệnh uốn ván
Khi đã bị uốn ván, người bệnh phải vào bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể giữ được mạng sống của mình bởi lẽ hiện tại vẫn chưa có xét nghiệm máu nào để chẩn đoán bệnh uốn ván, cũng như chưa phân lập được vi khuẩn uốn ván ở người. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện của bệnh
Để phòng ngừa bệnh uốn ván, tiêm ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất. Có nhiều loại vắc xin cho từng đối tượng, cả trẻ em lẫn phụ nữ đang mang thai nên ai cũng có thể tiêm được. Với phụ nữ có thai, cần được tiêm tối thiểu 2 liều vắc xin uốn ván, liều đầu sau khi mang thai, liều 2 trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều trước khi sinh 1 tháng. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vắc xin ngừa uốn ván trong các chương trình tiêm chủng mở rộng. Với những người bị vết thương hở nhưng trước đó đã tiêm vắc xin uốn ván và lần tiêm cuối cùng đã hơn 10 năm thì cần tiêm nhắc lại 1 liều nhưng nếu 5 năm trước đó chưa được tiêm vắc xin uốn ván thì phải tiêm 1 liều ngay sau khi bị thương.
Để phòng ngừa uốn ván, nên trang bị bảo hộ lao động nếu phải làm việc trong môi trường dễ nhiễm trực khuẩn uốn ván, chẳng hạn như đi ủng, mang găng tay khi dọn dẹp chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, bãi rác.
Tránh đi chân không ở những nơi có phân gia súc, gia cầm, bãi rác, những nơi bùn lầy nước đọng. Nếu chẳng may bị trầy xước chân tay, thân thể trong quá trình làm việc, rửa vết thương bằng nước sạch với xà phòng rồi đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý nhằm tránh nhiễm trùng cũng như tiêm vắc xin ngừa uốn ván.
Nếu bị uốn ván và nếu đã có những dấu hiệu như cứng hàm, khó nuốt, nhất là với trẻ sơ sinh, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hoặc chữa trị theo lối truyền khẩu bởi lẽ khi bệnh đã bước vào giai đoạn toàn phát thì tỉ lệ tử vong luôn là trên 90%.
Bác sĩ CKII NGỌC VINH