Nhận biết và cách chữa trị bệnh giời leo
Hỏi: Thưa bác sĩ, năm nay tôi 27 tuổi, 3 ngày trước đây, lúc ngủ dậy thì đùi và lưng tôi xuất hiện những mụn nước nhỏ, mọc ngoằn ngoèo, rất đau rát. Có người hàng xóm nói tôi bị giời leo vì trước kia anh ấy đã từng bị. Anh ấy bảo tôi lấy đậu xanh hoặc lá khổ qua giã nát rồi đắp lên sẽ hết. Vậy xin bác sĩ cho biết đó có phải là giời leo hay không và chữa trị như vậy có hiệu quả không?
(nguyenhong@..., xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc)
Con giời và tổn thương da do giời leo. |
Trả lời: Giời leo, một thuật ngữ dân gian dùng để chỉ ai đó bị con giời, leo (hoặc bò) lên cơ thể, là một trong những bệnh ngoài da thường gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi mà nguyên nhân do con giời (hay còn gọi là bọ giời), có hình dạng giống như con rết (rít) nhưng nhỏ hơn. Chúng bò, leo trèo rất nhanh, thường sống ở nơi ẩm thấp như khe tường, gầm bàn, ghế, giường, tủ, kệ....
Giời hoạt động về đêm. Khi bò lên người, thường thì phản xạ tự nhiên khiến người ta đập chết chúng, Khi đó chúng tiết ra chất axit phốt pho hữu cơ khiến da phản ứng bằng cách nổi những mụn nước, gây đau rát. Những mụn này có khả năng lây lan sang những vùng da khác.
Bệnh giời leo thường gặp vào thời điểm giao mùa, trời chuyển mưa, gió nồm ẩm. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể tùy theo đường đi của con giời như đùi, tai, sườn, cổ, vai, lưng nhưng nguy hiểm nhất là ở mắt.
Bệnh giời leo rất dễ nhầm lẫn với bệnh zona vì chúng có những biểu hiện tương tự như nhau, nghĩa là nổi nhiều mụn nước, đau rát nhưng nếu bị giời leo, tổn thương da xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Còn với bệnh zona do virus Varicella Zoster gây ra, tổn thương chỉ xuất hiện dọc theo đường đi của các dây thần kinh.
Để phòng ngừa bệnh giời leo, cách tốt nhất là thương xuyên quét dọn, lau chùi phòng ốc, giường ngủ, gầm bàn, gầm kế, kệ, tủ… Nếu phát hiện giời bò lên người, không lập tức giết chết chúng mà tìm cách hất chúng ra khỏi cơ thể nhằm tránh axit phốt pho dính vào da. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng Fendona 10SC, có bán ở các nhà thuốc Tây dưới hình thức chai pha sẵn 1 lít hoặc gói 5ml. Pha gói này với 1 lít nước rồi dùng bình xịt, phun vào những nơi giời leo có thể ẩn náu.
Nếu bị giời leo, Đông y có phương pháp giã nát đậu xanh sống hoặc lá khổ qua với gạo nếp (gạo nếp trong trường hợp này là chất kết dính để đâu xanh, lá khổ qua bám vào da) rồi đắp vào những mụn nước từ 5 đến 7 ngày, mỗi ngày đắp 1 lần. Tuy nhiên nếu mụn nước đã vỡ thì không áp dụng phương pháp này vì có thể gây nhiễm trùng.
Về Tây y, sau khi thăm khám và khi bác sĩ đã xác đinh là bạn bị giời leo chứ không phải là zona, bạn sẽ được chỉ định dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm, các loại kem bôi chống đau rát và thuốc ngừa những biến chứng.
Khi bị giời leo, bạn nên chú ý chế độ ăn uống của mình vì nó có ảnh hưởng đến thời gian lành bệnh bằng cách bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, vitamin và nguyên tố vi lượng, uống nhiều nước cam và nước chanh là hai loại chứa nhiều vitamin C giúp nhanh lành vết thương, ăn các loại thức ăn có tính thanh nhiệt như bí xanh, mướp đắng, rau má, hạt sen,…
Không ăn tôm, cua và các loại hải sản chứa nhiều canxi, hạn chế các món có tính nóng như chiên xào, các loại thực phẩm giàu arginine như yến mạch, ngũ cốc tinh chế và các đồ uống có cồn như bia, rượu…
Bác sĩ y học cổ truyền PHAN ĐẰNG