Cần làm gì khi trẻ bị hóc dị vật

Thứ Sáu, 06/10/2023, 17:00 [GMT+7]
In bài này
.

Hóc dị vật đường thở ở trẻ em là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm, thường gặp khi trẻ đang ăn uống hoặc chơi đùa với những vật nhỏ. Trẻ bị hóc dị vật đường thở nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong.

Tuyệt đối không cho trẻ chơi, ăn những thứ dễ gây hóc đường thở.
Tuyệt đối không cho trẻ chơi, ăn những thứ dễ gây hóc đường thở.

Các triệu chứng 

Khi bị hóc dị vật, trẻ thường có các biểu hiện như ho từng tiếng hoặc ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, không nói được. Nếu không xử trí kịp thời, trẻ có thể ngưng thở và tử vong ngay sau đó.

Nếu chẳng may có dị vật lọt vào mũi, họng của trẻ, cha mẹ hoặc người thân cần làm những việc sau: Không la hét, quát mắng khiến trẻ hoảng hốt, nên nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ đẩy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật lọt vào mũi và trẻ đã trên 3 tuổi, dùng tay bịt một bên mũi không có dị vật rồi bảo trẻ xì mạnh bên mũi có dị vật. Tuyệt đối không dùng ngón tay hoặc các vật dụng để cố lấy dị vật ra vì cách này có thể khiến dị vật bị đẩy sâu vào trong, nhất là với những dị vật tròn, trơn, nhẵn.

Nếu trẻ không thể xì ra dị vật do còn quá nhỏ, nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng xử trí. Nếu dị vật là pin điện tử, cần đến bệnh viện trong vòng từ 1 đến 2 tiếng nhằm tránh các chất độc hại trong viên pin làm loét niêm mạc mũi, thậm chí là thủng vách ngăn mũi.

Nếu dị vật là xương cá, xương gà, thạch rau câu, các loại hạt…, lọt vào đường thở, không nên tìm mọi cách để lấy nó ra nếu không có những thứ chuyên dùng như đèn soi tai mũi họng, kẹp gắp... và người thực hiện không có kiến thức chuyên môn. Cũng không nên “chữa mẹo” bằng cách nhờ người “đẻ ngược” vuốt ngực cho trẻ, hoặc cố ép trẻ uống nước, nuốt cơm cục, nuốt chuối… vì điều đó có thể sẽ làm dị vật vào sâu hơn, thậm chí cơm cục, chuối sẽ khiến tình trạng ngừng thở thêm trầm trọng.

Cách xử trí

Khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật đường thở, việc đầu tiên của các bậc cha mẹ, người thân là gọi cho đường dây cấp cứu. Khi gọi cần nói rõ độ tuổi, tình trạng của trẻ để nhân viên y tế chuẩn bị những y cụ cần thiết, chẳng hạn như bình oxy, đèn soi tai mũi họng, kẹp gắp dị vật…

Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến, cha mẹ hoặc thân nhân của trẻ có thể áp dụng tạm thời các biện pháp sau: Với trẻ dưới 2 tuổi, cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của mình, đầu hướng xuống đất, dùng gót bàn tay phải ấn mạnh 5 lần vào vùng lưng, giữa 2 xương bả vai của trẻ. Nếu trẻ đã thở được và khóc được, kiểm tra miệng trẻ xem còn dị vật hay không.

Nếu trẻ vẫn chưa thở được thì tiếp tục thực hiện biện pháp ấn ngực bằng cách lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (nằm giữa rốn và xương ức) theo chiều từ trên xuống dưới, lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu đến.

Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, bị hóc dị vật nhưng vẫn còn tỉnh táo thì cho trẻ đứng. Cha mẹ, người thân đứng hoặc quỳ sau lưng trẻ rồi choàng 2 tay ra phía trước trẻ, một tay nắm thành nắm đấm, đặt vào vùng thượng vị của trẻ, tay kia đè lên nắm đấm, ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 cái. Nếu trẻ chưa thể thở được và dị vật chưa ra thì tiếp tục thực hiện biện pháp này trong lúc chờ cấp cứu.

Nếu trẻ hôn mê, đặt trẻ nằm ngửa, cha mẹ hoặc người thân quỳ xuống, tựa 2 đầu gối vào 2 bên đùi trẻ. Nắm 1 bàn tay thành nắm đấm, bàn tay kia áp vào nắm đấm rồi ấn mạnh 5 lần vào vùng dưới xương ức của trẻ theo chiều từ dưới lên trên. Tiếp theo, thổi vào miệng trẻ 3 lần. Lập lại những động tác này cho đến khi có cấp cứu.

Phòng tránh 

Hầu hết trẻ dưới 5 tuổi thường rất hiếu động, tò mò nhưng chưa nhận thức được những nguy hiểm khi chơi với đồ vật. Vì vậy, khi cho trẻ chơi đồ chơi, cha mẹ hoặc người thân ngoài việc luôn phải để mắt tới trẻ thì cần có các biện pháp phòng ngừa những loại đồ chơi, thức ăn rơi vào đường thở của trẻ.

Đối với đồ chơi, không cho trẻ dưới 3 tuổi chơi những loại đồ chơi có thể tháo rời thành nhiều mảnh nhỏ. Tập cho trẻ thói quen không ngậm đồ chơi trong miệng. Các loại nút áo, pin đồng hồ, các loại hạt vòng đeo tay, viên bi nhựa, thủy tinh, cất ở những nơi trẻ không tự lấy được.

Với thức ăn, luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn. Không ép trẻ ăn, uống khi trẻ đang khóc hoặc đang chạy nhảy, chơi đùa. Bảo trẻ phải nhai, nuốt hết thức ăn còn trong miệng rồi mới được chơi nhưng từ từ, không để trẻ vì ham chơi nên nhai nuốt vội vã. Không cho trẻ dưới 2 tuổi ăn thạch rau câu, kẹo dẻo, hạt trân châu, hạt bắp, cá, thịt chưa gỡ sạch hết xương... Nếu muốn cho trẻ ăn thì cần nghiền nát hoặc cắt thành mảnh vụn.

Nếu đã sơ cứu và trẻ đã thở được nhưng hơi thở không đều, ngắt quãng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay vì có thể dị vật đã đi sâu vào phế quản, gây biến chứng xấu.

Bs. CAO HỮU TRÍ (BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)

;
.