Nghị lực thắp sáng cuộc đời
Dù không may mắn bị khiếm khuyết một phần cơ thể từ nhỏ, nhưng nhờ nghị lực bản thân và giúp đỡ của những người xung quanh, họ đã mạnh mẽ vươn lên làm chủ cuộc đời mình.
Bà Trương Thị Mộng Thu và em trai là ông Sang bóc hạt điều thuê kiếm sống qua ngày. |
Hai chân bị teo cơ co rút từ khi còn nhỏ, lại sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khốn khó nhưng bà Trương Thị Mộng Thu (62 tuổi, ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã kiên cường vượt lên làm chủ cuộc đời mình. Ba mất khi bà Thu 3 tuổi, mẹ mất đã gần 20 năm, để lại cho bà 1 người em trai thiểu năng trí tuệ. Suốt mấy chục năm, bà đã dành trọn tình thương, nuôi dưỡng cho người em trai tội nghiệp của mình là ông Trương Thanh Sang, 54 tuổi.
Cách đây hơn 2 năm, bà Thu sử dụng xe máy dành cho người khuyết tật để đi buôn bán kiếm sống. Nhưng bất hạnh lại tiếp tục ập đến với bà khi không may bị gãy chân trái do tai nạn giao thông. Số tiền trợ cấp cho 2 chị em bà mỗi tháng là 1,3 triệu đồng chẳng thấm là bao cho cuộc sống khốn khó, bệnh tật của hai chị em. Dù vậy, bà không nản lòng mà tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống. Mỗi ngày ngoài bóc hạt điều thuê tại nhà, bà còn kê 1 kệ hàng tạp hóa nhỏ buôn bán để trang trải cuộc sống. “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chỉ mong em không ốm đau, tôi có sức là còn chăm em được”, bà Thu bộc bạch.
Thương chị gái tật nguyền, đi lại khó khăn, nên sau nhiều lần được bà Thu và mọi người chỉ dạy, hướng dẫn, hiện nay, ông Sang đã có thể phụ giúp bà công việc nhà. Ông cũng đi cắt cỏ, nuôi bò thuê cho một người quen trong xóm, để đỡ đần cho chị mình.
Chị Nguyễn Thị Băng Ly dẫu khuyết tật nhưng luôn biết cố gắng vượt qua số phận. |
Gặp và trò chuyện, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chị Nguyễn Thị Băng Ly (SN 1983, ngụ tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức) là người hoạt bát, vui vẻ. 40 năm qua, kể từ ngày chân trái bị teo do cơn sốt bại liệt khi 4 tuổi, chị Ly vẫn luôn phải di chuyển nhờ vào chiếc nạng gỗ. Dù vậy chị Ly không buông xuôi, phó mặc cho số phận.
Chị đã không ngừng nỗ lực, học hết THPT, rồi học ngành kế toán tại Trung tâm dạy nghề cho NKT tại TP.Hồ Chí Minh. Tại đây chị đã bén duyên cùng anh Nguyễn Kim Ngân, sinh năm 1982, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 2013, họ về chung một nhà tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức). Sinh kế của hai vợ chồng gói gọn ở quầy bán tạp hóa tại chợ Đức Hiệp.
Do đi lại khó khăn nên hầu hết mọi việc nặng nhọc trong gia đình đều do anh Ngân gánh vác. Công việc ổn định dần dần khiến cuộc sống của hai vợ chồng đỡ khó khăn hơn. Năm 2014, chị Ly sinh bé trai Duy Khang lành lặn, khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc ấy đã tô điểm giúp cuộc sống của gia đình nhỏ trở nên trọn vẹn hơn giữa bộn bề lo toan.
Ngoài buôn bán, chị Ly còn làm thêm nghề đan móc len cũng kiếm thêm thu nhập ổn định để vừa trang trải cuộc sống vừa chăm sóc con cái học hành và chăm sóc ba mẹ ruột đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Ngọc Yến Nhi (xà Bang, huyện Châu Đức) là khách hàng quen thuộc của chị Ly cho biết: “Chị Ly buôn bán niềm nở, gian hàng sạch sẽ nên chúng tôi thường xuyên ủng hộ. Tuy khuyết tật, nhưng vợ chồng chị Ly biết vượt qua khó khăn nên chúng tôi rất nể phục”.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có trên 23.000 NKT. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, DN, đoàn thể ủng hộ công tác trợ giúp những người yếu thế để tạo niềm tin cho họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.
Bài, ảnh: THIÊN KIM