.

Cháy hàng thuốc điều trị đau mắt đỏ

Cập nhật: 19:31, 21/09/2023 (GMT+7)

Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong cộng đồng, khiến nhiều người dân tự tìm đến các cửa hàng mua thuốc điều trị, thậm chí mua để dự phòng. Điều này đẩy mặt hàng thuốc này trở nên khan hiếm, nhất là các loại thuốc nhập khẩu.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Tự mua thuốc cho nhanh

Chị N.T.T. (ngụ xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) có con trai và mẹ chồng bị đau mắt đỏ. Nghe người quen giới thiệu, thuốc Tobrex dạng dung dịch nhỏ mắt (do Bỉ sản xuất) mang lại hiệu quả cao trong điều trị nên chị đến một cửa hàng thuốc tây gần nhà để mua nhưng loại thuốc này đã hết hàng. Chị liên hệ thêm bạn bè, đồng nghiệp có người nhà bị bệnh hỏi có chỗ nào còn thuốc Tobrex để đến mua. Tuy nhiên, họ cũng cho biết đã hỏi mua tại một số tiệm thuốc tây trên địa bàn TP.Bà Rịa nhưng mặt hàng này không còn.

“Không mua được thuốc Tobrex nhưng nhân viên bán thuốc giới thiệu mua hàng Việt Nam cũng tốt nên tôi mua 3 loại về nhỏ mắt cho người nhà. Các loại này giá rẻ, mới nhỏ mắt mấy lần đã thấy đỡ bệnh”, chị T. cho hay.

Tương tự, chị N.T.V. (ngụ phường 9, TP.Vũng Tàu) có con gái bị đau mắt đỏ, nhưng không đưa con đi khám. Chị chọn cách tự mua thuốc để điều trị cho nhanh. Chị tìm hiểu trên mạng, thấy các thuốc Tobrex, Tobradex, Ofilovid… do nước ngoài sản xuất hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ nên đến nhiều nhà thuốc lớn ở TP.Vũng Tàu để mua nhưng không có hàng. Chị đành phải mua các loại thuốc nhỏ mắt do các công ty trong nước sản xuất nhưng cũng chưa yên tâm.

Sau đó, chị tiếp tục quay trở lại những cửa hàng nói trên để mua các loại thuốc “ngoại” như chị mong muốn. Chị V. nói: “Sáng 20/9, tôi đến nhà thuốc trên đường Ba cu, may mắn mua được 1 lọ thuốc Tobrex và 1 lọ Ofilovid. 2 loại này giá cao hơn trước rất nhiều nhưng tôi vẫn mua để đề phòng bệnh đau mắt đỏ lây lan cả nhà”.

KHÔNG LƠ LÀ, CHỦ QUAN VỚI BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Ngày 20/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 12763/UBND-VP về tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh không lơ là, chủ quan, tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế; chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương, đảm bảo 100% ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời. Sở chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt việc phân luồng điều trị người bệnh đau mắt đỏ tại phòng khám và các khoa lâm sàng nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại đơn vị và lây lan ra cộng đồng; bảo đảm các điều kiện vệ sinh cá nhân cho người bệnh, thân nhân người bệnh như: Nước sạch, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Đồng thời, hướng dẫn người bệnh đau măt đỏ thường xuyên vệ sinh tay và hạn chế tiếp xúc với người không bị bệnh, gia đình và cộng đồng, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các phương tiện, hóa chất, máy phun hóa chất để phục vụ kịp thời việc xử lý môi trường khi có dịch bùng phát.

Khan hiếm thuốc nhỏ mắt

Theo khảo sát của phóng viên, một số nhà thuốc trên địa bàn TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu có tình trạng khan hiếm các loại thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là các loại thuốc do Bỉ và Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng nhà thuốc mà việc thiếu các loại thuốc cũng khác nhau, giá bán giữa các cửa hàng có sự chênh lệnh đáng kể, có hiện tượng tăng giá so với trước khi chưa có dịch đau mắt đỏ.

Đơn cử, sáng 20/9, tại Nhà thuốc Long Châu, đường Trường Công Định (TP.Vũng Tàu), các loại thuốc nhỏ mắt do nước ngoài và trong nước sản xuất đều hết hàng. Nhân viên bán hàng cho biết, nhiều ngày qua, người dân đến mua các loại thuốc hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ tăng cao. Số lượng thuốc được phân phối về cũng hạn chế nên chỉ bán trong vài tiếng đồng hồ đã hết hàng. Chưa kể, số hàng nhập về có khi không có các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ. Vì thế, những ngày qua, nhà thuốc Long Châu tạm thời hết hàng một số loại thuốc đau mắt đỏ mà không biết khi nào có hàng trở lại.

Tương tự, nhà thuốc Pharmacity, đường Phạm Hùng (TP.Bà Rịa) cũng thường xuyên xảy ra tình trạng hết các mặt hàng thuốc nhỏ mắt hỗ trợ điều trị bệnh đau mắt đỏ. Số thuốc được công ty phân phối về cho nhà thuốc này cũng rất ít ỏi. Chẳng hạn, chiều 19/9, nhà thuốc nhận được 4 thùng thuốc do công ty gửi về thì chỉ có 1 lọ thuốc nhỏ trị đau mắt đỏ. Nhân viên nhà thuốc chia sẻ, do dịch đau mắt đỏ bùng phát trên cả nước nên hệ thống nhà thuốc Pharmacity đều gặp khó khăn về nguồn hàng. Tuy nhiên, hệ thống nhà thuốc này vẫn bán theo giá cũ.

KHÔNG NÊN TỰ Ý MUA THUỐC ĐỂ ĐIỀU TRỊ

Người bệnh đau mắt đỏ không nên tự mua thuốc hoặc sử dụng thuốc của người khác, vì mỗi loại thuốc có những tác dụng khác nhau. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc không phù hợp với tình trạng đau mắt của bản thân, sẽ gây tác hại với bệnh đau mắt, thậm chí gây ra các biến chứng cho mắt, ảnh hưởng tới thị lực.

Khi bị bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế, phòng khám có bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Tùy theo tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp. Không phải cứ thuốc ngoại, giá thành cao mới tốt. Nhiều loại thuốc trong nước có giá thành rẻ nhưng vẫn mang lại hiệu quả điều trị. Việc “sính” hàng ngoại sẽ khiến cho các mặt hàng này trở nên khan hiếm và sốt giá, gây khó khăn cho nhiều người. Vì vậy, người dân không nên lựa chọn hay phân biệt nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.

(Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh)

Cùng ở đường Phạm Hùng (TP.Bà Rịa), nhà thuốc Bà Rịa đã hết các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ khoảng 10 ngày nay. Nhân viên nhà thuốc cho biết, các loại thuốc nhập khẩu hết hàng từ ngày dịch đau mắt đỏ bùng phát mà chưa nhập được hàng về. Nhà thuốc chỉ còn lại một số thuốc có cùng công thức, cùng công dụng tương tự do các đơn vị trong nước sản xuất.

Theo người này, dù hàng ngoại có giá cao gấp nhiều lần nhưng tâm lý người dân vẫn săn lùng để mua, trong khi hàng nội có giá rẻ hơn, công dụng tương tự thì không được người dùng lựa chọn. “Do nguồn cung không đủ cầu nên các mặt hàng thuốc nhỏ mắt do nước ngoài sản xuất đã tăng từ 10-25 ngàn đồng/lọ, mặt hàng trong nước tăng nhẹ, từ 3.000-5.000 đồng/lọ”, nhân viên nhà thuốc Bà Rịa nói.

Ngoài ra, do một số mặt hàng thuốc nhỏ mắt đang bị “đứt gãy” nguồn cung nên nhiều nhà thuốc đã tăng giá bán so với cách đây 2 tuần. Đơn cử, 1 lọ thuốc Tobrex có nhiều giá bán khác nhau, trong đó hệ thống nhà thuốc Pharmacity bán 43 ngàn đồng; 1 nhà thuốc ở đường Trường Công Định (TP.Vũng Tàu) bán 59 ngàn đồng, có thời điểm gần 70 ngàn đồng; nhà thuốc khác ở đường Ba Cu (TP.Vũng Tàu) bán với giá 60 ngàn đồng…

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.