Bằng lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng, bằng ý chí sản sinh từ truyền thống bất khuất của cả dân tộc, được cổ vũ bằng hình ảnh thiêng liêng của Hồ Chủ tịch trong trái tim và khối óc của mình, những người tù kiên trung đã thanh thản chấp nhận sự hy sinh đến với mình trong từng giờ, từng phút để bảo vệ uy danh của Đảng, của Cách mạng và trên hết là bảo vệ tính cách Việt Nam.
Côn Đảo 6.694 ngày đêm - NXB Trẻ
|
Côn Đảo, xưa gọi là quần đảo Côn Lôn “nguy nga đứng trấn giữa biển Đông” (theo Đại Nam nhất thống chí) như một pháo đài tiền tiêu trấn giữ vùng biển Đông - Nam của Tổ quốc.
Từ năm 1862, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, xây dựng nhà tù, đày ải những người Việt Nam yêu nước. Côn Đảo là nhà tù đầu tiên, quy mô lớn nhất, nổi tiếng như một “địa ngục trần gian” của chế độ thực dân ở Đông Dương.
Lịch sử 113 năm tồn của “địa ngục trần gian” kể từ khi thực dân Pháp thiết lập nhà tù cho đến ngày hoàn toàn giải phóng (1862-1975) gắn với những trang sử tranh đấu oai hùng vì độc lập tự do của dân tộc của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Những ngày tháng 7 này, nhân dân cả nước hướng lòng về Côn Đảo để tri ân, tưởng nhớ để ghi tạc trong lòng một pháo đài, một phên dậu, một trường học cách mạng linh thiêng và đặc biệt.
Hệ thống trại giam Di tích Nhà tù Côn Đảo được xây dựng quy mô với 8 trại giam chính, mỗi trại rộng từ 10.000 đến 25.000m2 cùng hàng chục trại phụ với 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập chuồng bò, 120 chuồng cọp (thời Pháp), 384 chuồng cọp (thời Mỹ -ngụy). Chưa kể đến hàng chục khu biệt lập để duy trì an ninh đối với những người tù trong tay không một tấc sắt.
Du khách thăm quan và nghe thuyết minh về sự tra tấn, giam cầm tù nhân tàn bạo tại Trại giam Phú Hải. Ảnh: PHÚC LƯU |
Cao điểm giam gần 10.000 tù nhân
Theo cuốn “Côn Đảo - Từ góc nhìn lịch sử” của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống, chưa đầy ba tháng sau khi thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, thiếu tướng Bonard, Thống đốc đầu tiên của xứ Nam Kỳ thuộc địa đã ký một nghị định vào ngày 1/2/1862, quyết định thành lập tại Poulo Condore (Côn Đảo) một trại giam để giam những người yêu nước, chống Pháp. Trung úy Félix Roussel được chỉ định làm Chỉ huy trưởng quần đảo kiêm Quản đốc đầu tiên của Nhà tù Cơn Đảo.
Trong hơn nửa thế kỷ đầu, nhà tù Cơn Đảo chỉ có một trại giam (Bagne NoI). Bắt đầu xây kiên cố từ năm 1889, đến năm 1896 thì hoàn chỉnh. Từ năm 1960-1973 gọi là Trại II. Thời kỳ từ 1973-1975 đổi tên là trại Phú Hải. Đây là trại xưa nhất, nằm ở khu trung tâm thị trấn. Tổng mặt bằng 12.015m2, bao gồm 10 khám lớn trong đó có một khám tử hình, 20 hầm biệt giam bằng đá, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa đồng thời là phòng trừng giới.
Banh II được xây dựng năm 1916. Từ 1973-1975 đổi là Trại Phú Sơn, kế bên Banh I. Tổng diện tích là 13.228m2 gồm 12 phòng giam lớn, một khu biệt giam 14 xà lim, 1 khu hầm tối gồm 8 phòng biệt giam. Banh III được xây dựng từ năm 1925. Từ năm 1973-1975 đổi là Trại Phú Tường. Khu trại này cách hai trại kia khoảng 1 km. Diện tích mặt bằng phòng giam chiếm 962m2 gồm 8 phòng giam lớn. Banh III phụ được xây dựng từ năm 1930. Từ 1973-1975 đổi là Trại Phú Thọ. Tổng diện tích 12.700m2, phòng giam chiếm 1.200m2, gồm 10 phòng giam lớn. Trong đó phòng số 10, sang thời Mỹ ngụy ngăn ra thành 15 phòng biệt giam (xà lim).
Năm 1970, chế độ đày ải man rợ tại chuồng Cọp Côn Đảo bị phơi bày ra ánh sáng và bị dư luận tiến bộ trên thế giới lên án dữ dội. Để đối phó với dư luận bất lợi này, Mỹ ngụy buộc phải giải thể khu chuồng cọp Pháp, đập bỏ mái che và song sắt để phi tang. Tuy vậy, người tù vẫn phải tiếp tục chịu đựng sự hành hạ trong một hệ thống biệt giam khác gọi là chuồng cọp Mỹ. |
Chuồng cọp Pháp có tổng diện tích mặt bằng 5.472m2 gồm 120 phòng giam, 60 phòng phơi nắng được chia thành hai khu, mỗi khu có 60 phòng giam, 30 phòng phơi nắng. Khu trại giam này được ngăn cách với bên ngoài bởi 2 lớp tường kín, chỉ có một cánh cửa hẹp để ra vào nên tuy rộng lớn đến thế mà rất biệt lập. Gọi là chuồng cọp vì mái trần của loại phòng giam này được làm bằng song sắt như chuồng nhốt cọp trong sở thú. Danh từ này cũng có thể hiểu thêm nghĩa bóng: đối với bọn chúa ngục, đây là nhà giam dành cho những tù nhân mà chúng cho là nguy hiểm và đáng sợ như cọp.
Thực dân Pháp rút đi, để lại 3 trại giam chính: Lao I, Lao II, Lao III và nhiều lao phụ. Riêng Lao III có một lao chính, một lao phụ (Annexe du Bange III), và 2 dãy biệt lập (chuồng cọp).
Năm 1960, ngụy quyền đặt lại tên các lao: Lao I là Trại Cộng Hoà, Lao II là Trại Nhân Vị, Lao III và Lao IV là Trại Bác Ái và chi nhánh Trại Bác Ái. Sau khi Ngô Đình Diệm đổ, các trại lại mang tên theo số hiệu: Trại I, Trại II, Trại III, Trại IV. Trại V được xây dựng từ năm 1962, cùng một kiểu cấu trúc như như 4 trại trước. Trại VI, Trại VII và Trại VIII được Mỹ chi tiền, thiết kế và thầu xây cất. Ba trại này được xây dựng vào năm 1968, hoàn thành cơ bản vào năm 1970-1971. Trại IX và Trại X đã được đổ móng, đúc cột, xây vài bức tường rồi bỏ dở sau Hiệp định Paris 1973.
Với hệ thống nhà tù được xây dựng quy mô, kiên cố, thời thực dân Pháp, số lượng tù nhân kháng chiến bị giam giữ trung bình là 2.000 người. Thời Mỹ - Ngụy, số lượng tù nhân Côn Đảo tăng dần từ 4.000 đến mức 8.000 vào những năm 1967-1969 và gần 10.000 trong những năm 1970-1972. Trước ngày hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó 4.234 là tù chính trị (có 494 phụ nữ) và 3.214 là tù thường phạm, quân phạm các loại.
Địa ngục trần gian
Quá trình hình thành hệ thống nhà tù Côn Đảo và những thủ đoạn tra tấn man rợ của kẻ thù hòng bóp nát tinh thần cách mạng. “Địa ngục trần gian” thời cao điểm hầu như không có ngày nào trên mảnh đất Côn Đảo không có những người tù ngã xuống. Từ điều kiện ăn ở thiếu thốn, từ những hình thức tra tấn dã man của quản ngục, rồi những hành động giam cầm hành hạ ở khu chuồng cọp, khu chuồng bò đến hầm xay lúa...
Đặc biệt là sự tàn bạo của những tên chúa ngục. Bouvier là tên chúa ngục của 2 thời kỳ khủng bố trắng (1930-1934) và (1939-1942) ở nhà ngục này. Trong vòng 5 năm, từ 1930 đến 1934, chế độ khủng bố thời Bouvier đã giết hại 802 người tù. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa (11/1940) chế độ khủng bố còn rùng rợn hơn. Tù chết hàng loạt, có thời kỳ, mỗi ngày chết vài chục người. Chỉ trong hai năm 1941-1942, số lượng tù nhân đã vợi đi hàng ngàn người. Chúa ngục Bouvier phải cho mở thêm nghĩa địa mới mang tên Hàng Dương. Báo Thần Chung hồi ấy đã gọi Côn Lôn là “địa ngục trần gian” dưới “chế độ giết người Bouvier”.
Trong thời Mỹ - Diệm, với bản chất tàn bạo và hiếu thắng, Chúa đảo Bạch Văn Bốn ra sức đánh giết tù để tiến thân. Trong 3 năm (1957-1960), Bốn đã tổ chức nhiều chiến dịch khủng bố, giết hại 350 tù chính trị. Do bất lực về phương diện cải huấn, không tổ chức học tố cộng được đối với hơn 1.000 tù chính trị Lao I Côn Đảo trong nhiều năm, nên Bốn phải nhường chức cho Lê Văn Thể, một tên tàn bạo và hiếu thắng hơn nhiều.
Tháng 9/1945, hơn 2.000 tù chính trị còn sống sót sau những năm khủng bố trắng đã nổi dậy giành quyền làm chủ Côn Đảo và trở về đất liền tham gia kháng chiến. Gần 1.000 tù thường phạm còn lại được sinh sống tự do, bình đẳng với số công chức và gác ngục. Ngày 18/4/1946 thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. |
Thể không từ một thủ đoạn nào. Hắn cho tay chân đánh tù nhân bằng củi chẻ đến tàn phế hoặc chết tại Chuồng Cọp, đày ải man rợ cho chết đi sống lại hàng trăm lần, bắt tù nhân đào mả lấy xương tù về xông cho đàn vịt mà hắn cho rằng để đàn vịt khỏi chết dịch... Nhưng rốt cuộc Thể cũng mất chức vì không khuất phục được những người tù chính trị chống ly khai còn lại.
Dưới thời Mỹ - ngụy, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đã thiết lập kỷ luật nghiệt ngã nhất ở chuồng cọp Côn Đảo với những cây còng Mỹ siết chặt vào cổ chân người tù, làm cho hàng trăm người bị teo cơ, bại liệt và vĩnh viễn không thể đứng lên bằng đôi chân được nữa. Sào nhọn bịt đồng, vôi bột, gậy gộc và đạo quân trật tự an ninh do Vệ tổ chức đã gây nên những tội ác mà vụ “Chuồng cọp Côn Đảo” tai tiếng năm 1970 đã làm chấn động lương tri loài người.
Thời điểm ấy, tội ác của Vệ với tù nhân đã chất cao như núi. “Vụ chuồng cọp Côn Sơn” tháng 7/1970 phơi bày hình ảnh chuồng cọp man rợ với hàng trăm người bại liệt, phải lết đi trên đôi tay của mình và hàng trăm phụ nữ trong đó có cả những bà cụ mù lòa trên 60 tuổi, cùng những em gái tuổi vị thành niên sặc sụa giữa lớp vôi bột dày ở chuồng cọp làm phẫn nộ lương tri loài người. Cuộc đồng khởi chống chào cờ (của địch) và chống khổ sai của trên 4.000 tù nhân Côn Đảo cuối năm 1970 đã kết thúc nhiệm kỳ gần 7 năm của tên đao phủ Nguyễn Văn Vệ.
Một địa ngục trần gian, có cái chết và sự hy sinh của những người yêu nước. Nhưng cái kết của những chính sách đàn áp man rợ của kẻ thù chỉ chuốc lấy thất bại. Từ trong “địa ngục”, một trường học cách mạng được hình thành, minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta.
NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ