Lựa chọn thông minh trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Tại chương trình tư vấn trực tuyến dành cho các thí sinh có nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho thí sinh trong lựa chọn phương thức xét tuyển, sắp xếp NV, làm thủ tục đăng ký, điều chỉnh NV xét tuyển…
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) rời khỏi khu vực thi. |
Phải luôn có phương án dự phòng
ThS.Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chia sẻ: “Cách đặt NV thông minh chính là sắp xếp NV theo thứ tự ưu tiên để đạt được mục tiêu trúng tuyển ngành yêu thích nhất. Thông minh ở đây là có nhiều giải pháp và luôn có phương án dự phòng”. ThS. Cao Quảng Tư cho rằng, thí sinh nên lấy yếu tố ngành học yêu thích làm tiêu chuẩn khi đăng ký, dù là NV1 hay các NV dự phòng 2, 3.
Theo ThS.Tư, khó khăn lớn nhất với thí sinh lúc này là xác định ngành học để đặt ở NV1. Và có một thực tế là nhiều ngành các em rất muốn học nhưng không đủ điểm. ThS. Tư đưa ra lời khuyên là thí sinh nên lựa chọn những ngành gần với ngành mình mong muốn nhưng có mức điểm thấp hơn. Bởi hiện nay, tính liên ngành giữa các ngành rất cao và một ngành học có thể làm được nhiều việc khác nhau.
“Mỗi người sẽ có một lựa chọn phù hợp với mình. Quan trọng nhất là đúng đam mê để nỗ lực trong suốt 4 năm học ĐH và nghề nghiệp sau đó. Khi chọn ngành học, cần tin tưởng vào lựa chọn đó, không chọn vì lựa chọn của người khác”, ThS. Tư nói.
Còn theo TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sự phát triển của công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều sự thay đổi lớn trong các lĩnh vực. Chính vì thế, việc lựa chọn ngành học đối với mỗi thí sinh cần nghiêm túc, tránh những yếu tố tác động từ bên ngoài. Để xác định ngành nghề phù hợp, thí sinh cần xét đến nhiều yếu tố, như: năng lực, sở thích cá nhân, yêu cầu và nhu cầu của ngành nghề…
Nhiều hướng đi nhưng chỉ có 1 đích đến cuối cùng
Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT cao, các em nên sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi. Còn nếu muốn an toàn và nắm chắc phần thắng thì xét tuyển sớm là một lợi thế. Trong xét tuyển ĐH hiện nay, có rất nhiều hướng đi nhưng chỉ có 1 đích đến cuối cùng. Do đó, các em nên cân nhắc hướng đi an toàn nhất, đến đích đúng thời điểm trên cơ sở có chiến lược đúng đắn, sáng suốt, hiểu mình để đưa ra lựa chọn.
(ThS. Trương Quang Trị, Phó Trưởng Phòng Công tác SV
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)
|
Năng lực và sở thích cá nhân sẽ là yếu tố quyết định việc lựa chọn ngành học của thí sinh. Vì chỉ khi chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, người học mới có hứng khởi để tìm tòi, khám phá. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu ngành nghề bao gồm cả điều kiện, môi trường làm việc, tính chất, khó khăn, thách thức trong công việc... cũng như nhu cầu của thị trường lao động. Thí sinh quan tâm, tìm hiểu kỹ những yếu tố này trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Điểm cao vẫn có thể rớt ĐH
Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý thí sinh về yếu tố kỹ thuật khi thực hiện đăng ký, điều chỉnh và bổ sung NV. Trong trường hợp có trục trặc, thí sinh cần liên hệ số điện thoại đường dây nóng trên hệ thống hoặc các trường ĐH muốn xét tuyển để được hỗ trợ kịp thời.
TS. Nguyễn Văn Khả, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, đến hết thời gian đăng ký, điều chỉnh NV, nếu thí sinh đăng ký không thành công thì coi như các em đã trượt. Bởi chỉ khi thí sinh có dữ liệu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường mới có thể sử dụng để xét tuyển.
ThS. Trương Quang Trị, Phó Trưởng Phòng Công tác SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, năm nay, kể cả thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm, nếu bỏ qua bước đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ không trúng tuyển. Ngoài ra, sau thời điểm các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển, thí sinh vẫn phải làm thủ tục nhập học trực tuyến trên hệ thống.
ThS Trị cho hay, trước 17 giờ ngày 22/8, thí sinh sẽ biết kết quả xét tuyển của các trường ĐH-CĐ. Sau khi biết kết quả, các em cần làm thủ tục nhập học trên hệ thống theo thời gian quy định các trường đưa ra. Trước 17 giờ ngày 6/9, các trường sẽ xác nhận nhập học đợt 1. “Nếu không xác nhận nhập học đồng nghĩa với việc thí sinh từ chối xét tuyển đợt 1 để xét tuyển vào các đợt tiếp theo. Nhưng nếu các trường đủ chỉ tiêu và không tuyển bổ sung thì các em sẽ mất cơ hội xét tuyển”, ThS. Trương Quang Trị nói.
Từ thực tế tuyển sinh những năm trước, ThS. Trị cho biết, có những thí sinh đạt 27-28 điểm nhưng không đậu ĐH vì lý do trên. Do đó, nêu thí sinh đã có sự lựa chọn, có chiến lược khi đặt thứ tự nguyện vọng thì nên làm thủ tục nhập học khi có kết quả ngay trong đợt 1.
HOÀNG DƯƠNG