Thưa bác sĩ, con gái tôi năm nay 18 tuổi, cháu sinh hoạt, học hành bình thường nhưng thỉnh thoảng cháu lại lên cơn phong xù. Khi ấy cháu co giật chân tay, mắt trợn trừng, sùi bọt mép và mất nhận thức. Mỗi lần lên cơn kéo dài khoảng 5, 10 phút rồi khi tỉnh lại, cháu không nhớ những gì đã xảy ra. Xin bác sĩ cho biết cháu bị bệnh gì và chữa trị như thế nào?
(hoangtrang88@..., xã Bình Ba, Châu Đức)
Chào chị, theo những gì chị đã mô tả trong thư thì rất có thể cháu đã bị chứng động kinh.
Động kinh - hay còn gọi là kinh phong hoặc phong xù là một bệnh lý mãn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh ở vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Tuy nhiên một số người vẫn tin rằng động kinh là do “ông nhập”, “bà nhập” hoặc “ma ám”.
Những triệu chứng của bệnh động kinh
Động kinh được chia làm 2 dạng là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể. Một số trường hợp khởi bệnh ban đầu là động kinh cục bộ nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành động kinh toàn thể.
Động kinh cục bộ.
Những cơn động kinh cục bộ chỉ xảy ra ở một vài bộ phận trong cơ thể dưới 2 hình thức động kinh cục bộ đơn giản và động kinh cục bộ phức tạp.
Động kinh cục bộ đơn giản: Người bệnh co cứng hay co giật một phần của cơ thể, lo lắng, sợ sệt mà không rõ nguyên nhân, chóng mặt, nôn nao ở dạ dày…
Động kinh cục bộ phức tạp: Người bệnh gần như mất nhận thức, không biết cơn động kinh đang xảy ra, mắt lạc thần, mặt đờ đẫn, nghiến răng, sùi bọt mép… Khi tỉnh lại, họ không nhớ những gì đã đến với mình.
Động kinh toàn thể.
Động kinh toàn thể biểu hiện bằng cơn vắng ý thức và cơn co cứng, co giật toàn thân. Đây là dạng phổ biến ở người trưởng thành: Bệnh nhân mất ý thức, mất thăng bằng, dễ té ngã, có thể kèm theo la hét nhưng không phải vì đau đớn, có những cơn co giật, không kiểm soát được tay chân. Tiểu tiện không tự chủ. Cơn động kinh có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc lâu hơn.
Cơn vắng ý thức: Dạng động kinh này thường xảy ra ở trẻ em, hiếm gặp ở người lớn. Biểu hiện đặc trưng nhất là mất ý thức trong khoảng 5 đến 15 giây, mắt nhìn chằm chặp nhưng không nhận biết mình đang nhìn gì, đôi khi mắt đảo lên trên, đang cầm đồ vật bỗng nhiên đánh rơi, không hiểu, không làm theo khi nghe người khác nói…
Bên cạnh đó, còn một dạng động kinh mà các chuyên gia tâm thần gọi là “Hội chứng West”, thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3 đến 8 tháng tuổi, biểu hiện bằng đầu trẻ gật mạnh xuống trong vài giây, toàn bộ cơ thể uốn cong về phía trước. Mỗi cơn động kinh có thể chỉ kéo dài 2 giây rồi dừng lại, sau đó lại tiếp tục thành chuỗi liên tục.
Các nguyên nhân gây ra động kinh
Chấn thương sọ não: Tai nạn chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân gây ra động kinh. Một số trường hợp do có khối u trong não hoặc từng bị đột quỵ, một số bệnh như viêm màng não, viêm não..., cũng là nguyên nhân gây động kinh.
Chấn thương khi sinh: Với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn non nớt nên rất nhạy cảm với những tổn thương ở não như sốt cao, hoặc trong quá trình mang thai, người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ma túy thì em bé sinh ra có nguy cơ tổn thương não, dẫn đến động kinh.
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo các khảo sát, cứ 100 người mắc chứng động kinh thì trẻ dưới 10 tuổi chiếm khoảng 40%, dưới 20 tuổi chiếm khoảng 50% và có xu hướng tăng lên sau 60 tuổi.
Điều trị động kinh
Phần lớn bệnh nhân động kinh sẽ được sử dụng thuốc kháng động kinh để hạn chế những cơn co giật nhưng nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc hoặc uống thuốc kéo dài mà không mang lại hiệu quả thì bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật.
Động kinh không phải là bệnh tâm thần vì ngoài những cơn co giật, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Vì thế, ngoài việc tránh tạo cho cháu những mặc cảm, chị nên đưa cháu đi khám ở những bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác vì đây là bệnh có thể chữa lành.
BS. LÊ DUY
(Bệnh viện Tâm Trí, TP.HCM)