Phòng ngừa và chữa trị ra mồ hôi tay chân

Thứ Sáu, 16/06/2023, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Thưa bác sĩ, hai bàn tay, lòng bàn chân tôi bị ra mồ hôi rất nhiều, đã uống thuốc và cũng đã chữa bằng những phương thức dân gian như chưng phèn chua rồi bôi mà vẫn không hết. Xin bác sĩ cho biết tôi bị bệnh gì và phải điều trị như thế nào?

người bình thường, mồ hôi tiết ra nhiều ở vùng đầu, mặt, cổ, bụng, lưng, cánh tay, bàn tay…, nếu phải làm việc với cường độ cao, kéo dài hoặc trong thời tiết nóng nực. Ra mồ hôi lúc này giúp điều hòa thân nhiệt, làm mát cơ thể và loại bỏ độc tố. Đây được xem là một hiện tượng tự nhiên.

Nhưng nếu ra mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân, nách, ngay cả khi không hoạt động, không nóng bức thì bạn đã gặp phải tình trạng tăng tiết mồ hôi. Nó là một rối loạn do sự kích thích quá mức của các thụ thể Cholinergic trên các tuyến mồ hôi.

Nguyên nhân của việc ra mồ hôi tay, chân

Phần lớn người thường xuyên ra mồ hôi tay, chân đều phát xuất từ việc hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, số ít do gen di truyền vì một trong những chức năng của hệ thần kinh giao cảm là điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nếu hệ thần kinh giao cảm nhận biết cơ thể đang quá nóng, não sẽ gửi tín hiệu đến hàng triệu tuyến mồ hôi ngoại tiết (Eccrine) để mồ hôi tiết ra, làm mát da và làm giảm nhiệt độ.

Tuyến Eccrine tập trung nhiều ở vùng bàn tay, nách, bàn chân… Nhưng có những trường hợp cơ thể không cần làm mát mà não bộ vẫn gửi tín hiệu đến tuyến Eccrine, dẫn đến việc ra mồ hôi,

Mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân còn do những nguyên nhân như đang mang thai, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, rối loạn lo âu, hạ đường huyết, béo phì, mắc bệnh liệt rung (Parkinson) hoặc uống một số loại thuốc chống trầm cảm…

Theo thống kê, khoảng 35 đến 55% những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi có ít nhất một thành viên trong gia đình cũng mắc phải chứng này nên khả năng di truyền là có thể.

Các biến chứng

Ra nhiều mồ hôi tay, chân thường không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đôi khi sẽ dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần, chẳng hạn như nhiễm nấm, đặc biệt là nấm móng chân nếu thường xuyên mang giày cả ngày cùng một số bệnh như mụn cóc, viêm nang chân lông..., Bên cạnh đó, cơ thể còn có mùi khó chịu, dẫn đến những vấn đề về tâm lý như chán nản, lo âu, ngại tiếp xúc với người khác, gây cản trở khi làm việc, chẳng hạn như lái xe, cầm nắm đồ vật, viết, vẽ, lắp ráp, vận hành những máy móc, dụng cụ đòi hỏi sự tỉ mỉ…

Điều trị

Nếu đã bị tăng tiết mồ hôi thường xuyên, kéo dài dù không làm việc nặng hoặc sống trong môi trường nóng bức, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân. Khi ấy, việc điều trị cho bạn sẽ được bác sĩ tiến hành bằng những biện pháp như bôi thuốc hàng ngày, tiêm thuốc đặc trị hoặc cắt chọn lọc hạch thần kinh giao cảm ở ngực. Đây là phương pháp phẫu thuật được sử dụng rộng rãi nhất nhằm điều trị chứng tăng tiết mồ hôi ở bàn tay, bàn chân, nách.

Theo đó, bác sĩ sẽ rạch da ở vùng nách để đưa dụng cụ vào lồng ngực rồi cắt đứt liên kết thần kinh giao cảm chi phối vùng tăng tiết mồ hôi. Đoạn thần kinh giao cảm bị cắt rất tối thiểu nên các biến chứng của phẫu thuật này gần như rất ít. Khi bị mất kết nối giao cảm, tín hiệu thần kinh không còn truyền đến các tuyến mồ hôi nữa.

Để hạn chế chứng ra mồ hôi tay, chân, nách, không nên mặc quần áo bó sát, nhất là những loại vải có pha sợi nhân tạo (nylon), lựa chọn quần áo làm bằng vải bông (cotton). Nếu đi giày thì nên chọn loại vớ có tính hút ẩm cao, mang găng tay hút ẩm khi lái xe hoặc làm những việc cần đến sự tỉ mỉ. Hạn chế uống rượu, bia, cố gắng tránh những vấn đề có thể gây căng thẳng, tức giận, buồn chán hoặc quá hưng phấn…

BS CAO HỮU TRÍ
(BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM)

;
.