Sứa là loài sinh vật biển thuộc lớp không xương sống với khoảng 400 loài, cơ thể của chúng chứa 95% nước, có mặt ở tất cả các đại dương trên thế giới. Trong đó một số loài có thể phóng thích chất độc CfTX từ những mũi kim rất nhỏ nằm ở các xúc tu.
Sứa Bắp cày - Sứa hộp và Sứa lửa. |
Tại vùng biển Việt Nam, có 2 loài sứa độc là Sứa Bắp cày và Sứa Lửa. Khi thời tiết xấu hoặc trời nhiều mây, chúng di chuyển đến vùng nước nông sát bờ và sẽ đốt người nếu vô tình chạm vào xúc tu của chúng.
Sứa Bắp cày và Sứa lửa
Sứa Bắp cày hình dạng như chiếc hộp nên còn gọi là Sứa hộp, có màu xanh trùng với màu nước biển, dài từ 2cm đến 20cm với 6 hoặc 12 xúc tu, mỗi xúc tu có thể dài 1m. Riêng Sứa Lửa hình dáng như cái chén (bát) úp, đường kính từ 3 đến 12cm, xúc tu có từ 60 đến 120 cái, dài trung bình 1 đến 3m hoặc hơn, có thể có các màu xanh, trắng, nhưng bộ máy tiêu hóa và các xúc tu có màu đỏ hoặc hồng nhạt.
Những vết đan chéo trên da do sứa đốt. |
Khi bị Sứa hộp hoặc Sứa Lửa đốt, các mũi kim trên xúc tu sẽ phóng thích các tế bào chứa chất độc CfTX bám chặt vào da nạn nhân. Rất nhanh chóng, các tế bào này vỡ ra rồi tiết độc tố vào cơ thể thông qua vết đốt. Cảm giác đầu tiên khi bị đốt là đau buốt, bỏng rát, da ửng đỏ, phù nề đồng thời trên vùng da bị đốt xuất hiện những vệt nâu đỏ đan chéo, ngang dọc, hình thành bởi các xúc tu bám vào.
Nếu không được xử trí kịp thời, vùng bị đốt sẽ nổi những bóng nước giống như bị bỏng rồi hoại tử khiến nạn nhân đau đớn, ngứa ngáy. Trường hợp bị nhiều con sứa đốt cùng một lúc, nạn nhân có thể tử vong do ngừng tim, ngừng thở bởi chất độc CfTX ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tim mạch.
Đại đa số người bị sứa đốt đều đang ở dưới biển, lắm khi nước biển mới chỉ ngập ngang bắp chân. Nếu lúc ấy nạn nhân ở vùng nước sâu thì rất dễ chết đuối do hoảng loạn còn với trẻ con, chúng cũng dễ bị chết đuối dù ở ngay mép nước vì đau và sợ nếu không có thân nhân bên cạnh.
Xử trí khi bị sứa đốt
Khi có người bị sứa đốt, cách xử trí là nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ, sau đó nhẹ nhàng gỡ các xúc tu ra khỏi vùng bị đốt nhưng không được làm đứt, gãy các xúc tu vì sẽ khiến chất độc tiết ra nhiều hơn.
Tiếp theo, lau nhẹ vết thương bằng nước biển hoặc dấm, nước chanh nhưng tuyệt đối không rửa bằng nước bình thường như nước khoáng, nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày hoặc nước nóng vì sẽ làm chất độc tăng nồng độ hoạt tính.
Dùng một tấm bìa cứng như thẻ tín dụng chẳng hạn, cạo nhẹ trên vùng da bị đốt nhằm loại bỏ các mũi kim có chứa độc tố rồi chuyển đến bệnh viện.
Nếu nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo bằng cách để nạn nhân nằm ngửa rồi đặt bàn tay trái lên vùng tim trên ngực nạn nhân. Sau đó dùng bàn tay phải ấn xuống mu bàn tay trái 30 lần (nhưng lực ấn vừa phải để tránh làm gãy xương sườn).
Cứ sau 30 lần ấn tim thì hà hơi thổi ngạt 3 lần. Đặt đầu nạn nhân sao cho cằm, miệng ngước lên, lau sạch đờm rãi trong miệng nạn nhân (nếu có). Người hà hơi thổi ngạt áp sát miệng mình vào miệng nạn nhân rồi thổi mạnh. Khi thấy nạn nhân đã có thể tự thở được thì ngưng rồi đưa ngay đến bệnh viện.
Với trẻ con, cách hô hấp nhân tạo cũng thực hiện như trên nhưng lực ấn tim nên tính toán tùy theo độ tuổi.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nếu đã bị sứa đốt và có dấu hiệu hôn mê thì bên cạnh những biện pháp vừa nêu, hãy báo ngay cho bộ phận cấp cứu bờ biển vì nơi này luôn có những dụng cụ cần thiết như bóng bóp oxy, bộ thiết bị dùng để mở khí quản, thực hiện bởi những người đã được đào tạo bài bản về chuyên môn. Tùy theo tình hình sức khỏe của nạn nhân, bộ phận cấp cứu bờ biển sẽ có những biện pháp thích hợp.
Sứa Bắp cày và Sứa Lửa thường xuất hiện ở vùng biển nước ta vào mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, nhất là khi trời nhiều mây. Vì vậy nếu tắm biển trong thời gian này, hãy cẩn thận nếu thấy có nhiều con sứa trôi nổi dưới nước vì nếu không biết cách phân biệt giữa sứa độc và sứa không độc, rất có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng mình.
BS CAO HỮU TRÍ
(BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)