Ngứa - chuyện đơn giản nhưng đừng coi thường

Thứ Sáu, 16/06/2023, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Trung bình diện tích da trên cơ thể con người là khoảng 2 mét vuông và bất cứ chỗ nào trên da cũng có thể ngứa. Nó là phản ứng tự vệ khi gặp tác nhân kích thích. Lúc ấy, các tế bào da sẽ phóng thích histamin, tác động lên những thụ thể MrgA3 ở đầu mút thần kinh da, gây ngứa.

Ngứa gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày.
Ngứa gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày.

Ngứa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Ngứa không di truyền và không lây.

Ngứa có thể thoáng qua trên bề mặt da và thường sẽ hết sau khi gãi, rửa, bôi hoặc uống một vài loại thuốc nhưng cũng có thể ngứa rất dữ dội, dai dẳng, gây ra sự khó chịu và phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như bị côn trùng cắn (kiến, muỗi, ong, bọ cạp…) hoặc chạm vào da (sâu bướm) hoặc dị ứng với một số chất (xà bông, nước hoa, chất tẩy rửa, thức ăn, bia, rượu, phấn hoa…) hoặc do các bệnh lý về gan, thận, nhiễm giun sán, eczema, mụn trứng cá, nhiễm nấm, ghẻ…

Khi bị ngứa, hầu hết chúng ta đều phản ứng bằng cách gãi nhưng nếu gãi nhiều, gãi mạnh có thể dẫn đến viêm da, nhiễm trùng chỗ gãi.

Phân biệt các hiện tượng ngứa

Thông thường khi bị côn trùng (muỗi, kiến) cắn, ngứa xảy ra sau cảm giác đau nhưng không kéo dài. Nếu chạm vào sâu bướm hoặc bị ong đốt, cơn đau sẽ dai dẳng kèm theo ngứa, bề mặt da có thể nổi bóng nước.

Ngứa do dị ứng: Hiện tượng ngứa có thể xảy ra vài phút, thậm chí là vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây ngứa. Người bị dị ứng thường chẳng ai giống ai, có người hễ ăn cá ngừ là bị ngứa, có người ngứa khi ngửi thấy mùi sơn, có người ngứa khi tắm hoặc thậm chí là rửa tay, chân bằng loại xà bông nào đó…

Hầu hết các trường hợp ngứa do dị ứng thường rất mạnh, đôi khi ngứa khắp cả người, da nổi mẩn đỏ (mề đay), người bị ngứa có thể gãi đến trầy da vì quá ngứa.

Ngứa do một số bệnh về gan, thận, tiểu đường, thần kinh (bệnh xơ cứng rải rác), bệnh nấm da, vảy nến, suy thận mạn, vàng da tắc mật…, phần lớn cơn ngứa thường khu trú ở những vùng nhất định trên da như bụng, cánh tay, lưng, đùi, bắp chân… Cơn ngứa chỉ ở mức râm ran nhưng kéo dài, dai dẳng từ ngày này sang ngày khác.

Nếu ngứa kéo dài trên 1 tuần kèm theo vết loét, vết sần, mụn nước, sụt cân, mệt mỏi thì nên đi khám ngay vì nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.

Điều trị ngứa

Với những trường hợp thông thường như ngứa do muỗi, kiến cắn, có thể làm dịu cơn ngứa bằng cách chườm lạnh (dùng một miếng vải sạch nhúng vào nước đá đang tan hoặc bọc nước đá trong miếng vải), xoa nhẹ và liên tục lên chỗ ngứa cho đến khi hết ngứa.

Tuyệt đối không chườm bằng nước nóng hoặc bôi dầu gió, dầu khuynh diệp lên chỗ ngứa vì nó có thể làm tăng kích thích khiến ngứa nhiều hơn. Cũng không nên gãi vì khi gãi, hiện tượng ngứa sẽ giảm nhưng nếu ngừng gãi, nó lại càng ngứa, chưa kể nếu gãi mạnh, kéo dài, có thể làm tổn thương da, nhiễm trùng da.

Nếu ngứa do dị ứng với các chất tiếp xúc, ngứa do ghẻ, do nhiễm nấm hoặc ngứa không rõ nguyên nhân thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có hướng điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Không tự ý chữa bằng cách mua thuốc bôi, uống…, theo chỉ dẫn của những người không chuyên môn. Không lau, rửa hoặc tắm bằng những loại rễ, lá cây chưa được ngành y học cổ truyền xác định dược tính vì chất độc trong rễ, lá có thể theo lỗ chân lông vào máu, làm trầm trọng thêm.

Phòng ngừa

Nếu đã từng bị ngứa do dị ứng thì nên tránh không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn không ăn cá ngừ nếu đã bị ngứa trong những lần ăn trước đó, thay đổi loại kem, son, phấn, xà phòng nếu bôi hoặc tắm mà bị ngứa.

Giữ vệ sinh thân thể: Mỗi cen ti mét vuông (cm2) ở da chúng ta trung bình có đến 1 triệu con vi khuẩn, trong đó có những loại vi khuẩn gây hại. Vì vậy, giữ vệ sinh thân thể bằng cách tắm rửa hàng ngày nhằm ngăn ngừa hiện tượng ngứa đồng thời uống đủ lượng nước  (trung bình từ 1,5 lít đến 2 lít mỗi ngày) để giữ cho da không bị khô.

Tuyệt đối không tự ý bôi lên chỗ ngứa bằng những loại thuốc có chứa corticoid (Dexamethsone hay Prednisolon) nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì những loại thuốc này làm giảm cơn ngứa rất nhanh nhưng nó sẽ gây ra những tác dụng phụ rất nguy hiểm, nhất là với trẻ con hoặc những người mắc bệnh mãn tính…

BS NGUYỄN VIẾT SƠN
(Phòng khám Da Liễu BS Sơn, TP.HCM)

;
.