Nấc cụt, nguyên nhân và hướng điều trị

Thứ Sáu, 30/06/2023, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi thường xuyên bị nấc cụt, đã chữa nhiều nơi mà không khỏi. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị.

(Hoài Thu, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc)

 Trả lời: Nấc cụt hay nấc cục phát xuất từ sự co thắt đột ngột, không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khiến dây thanh âm đóng lại nhanh tạo thành tiếng kêu đặc trưng của nấc: “Hức”. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là triệu chứng bệnh lý nếu cơn nấc xảy ra thường xuyên và  kéo dài.

Một cơn nấc bình thường chỉ xuất hiện từ vài phút đến vài giờ nhưng thường không quá 24 giờ. Tần số cơn nấc phụ thuộc vào từng người, dao động trong khoảng từ 2 lần đến 60 lần trong 1 phút.

Nguyên nhân gây ra nấc cụt

Do ăn quá nhiều hoặc uống nhiều bia, rượu, nước ngọt có ga khiến dạ dày bị căng, giãn, dẫn đến những cơn nấc nhưng thường kéo dài không quá 48 giờ.

Sự kích thích, lo lắng hay căng thẳng, ăn uống đồ quá nóng hay quá lạnh, ăn, nuốt quá nhanh cũng cũng có thể làm xuất hiện những cơn nấc.

Có khối u ở vùng họng hầu, khối u trung thất, dẫn đến thần kinh hoành vị bị kích thích khiến cơ hoành co thắt gây ra nấc. Cơn nấc thường kéo dài hơn 48 tiếng đồng hồ.

Một số bệnh lý về rối loạn trao đổi chất như tiểu đường, suy thận hoặc một số thuốc chữa bệnh cũng có thể gây ra những cơn nấc. Bên cạnh đó, bệnh u não, viêm não cũng khiến bệnh nhân nấc kéo dài.

Mổ dạ dày, tá tràng, gan, mật cũng là nguyên nhân gây ra nấc bởi trong quá trình mổ, bệnh nhân được đặt nội khí quản khiến vùng hầu họng bị kích thích.

Điều trị nấc

Nấc cụt bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần điều trị vì sẽ tự hết, nhưng do nó gây ra khó chịu nên người ta thường muốn chấm dứt nhanh chóng. Để chữa nấc cụt, có một số cách được người dân áp dụng:

Uống chậm từng ngụm nước nhỏ, nuốt chậm từng viên nhỏ thức ăn mềm như cơm, xôi. Tuy nhiên nếu nuốt 1, 2 lần mà không hiệu quả thì nên ngừng lại vì có thể bít đường thở (khí quản).

Đánh lạc hướng người bị nấc, chẳng hạn đột ngột chỉ tay ra sau lưng người ấy rồi la lớn: “Coi thừng”. Sự giật mình của người bị nấc khi đó sẽ gây ức chế thần kinh quặt ngược, làm cơ hoành giảm co thắt dẫn đến hết nấc.

Dùng hai ngón tay đè vào hai động mạch cảnh ở hai bên cổ. Lúc đầu đè nhẹ rồi tăng dần. Khi người bị đè có cảm giác nặng mặt, khó chịu thì thả ra. Có thể làm vài lần cho đến khi hết nấc.

Tóm lại, nếu thường xuyên nấc và nấc kéo dài thì bạn nên đến những cơ sở y tế chuyên khoa để làm những xét nghiệm cần thiết về một số bệnh có thể là nguyên nhân gây ra nấc. Khi đã xác định được nguyên nhân, việc điều trị sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn.

BS LÊ VĂN PHƯƠNG

(Phòng khám đa khoa Mai Phương, TP.HCM)

;
.