Phát huy quyền làm chủ của dân
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Với nhiều điểm mới quan trọng, Luật phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh xung quanh Luật này.
Phóng viên: So với trước đây, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 có những điểm mới gì nổi bật, thưa ông?
- Luật sư Trương Xuân Tám: Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở, đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Pháp lệnh số 34), ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Luật này gồm 6 Chương và 91 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc để phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Luật có rất nhiều điểm mới về quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CCVC, NLĐ) trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội...
Cụ thể, Luật phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp...) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21).
Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định CB, CCVC, NLĐ được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung NLĐ bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67).
Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị CB, CCVC, NLĐ hoặc hội nghị NLĐ. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể CB, CCVC, NLĐ trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể NLĐ trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện NLĐ ở cơ sở (Điều 68).
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 giúp người dân có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ. Trong ảnh: Cử tri xã Hoà Hội, huyện Xuyên Mộc phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh về tình trạng thiếu thuốc khi đi khám bệnh bằng thẻ BHYT. (Ảnh minh họa: TRẦN TIẾN) |
Điều 4 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cũng nêu rõ: Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú. Công dân là CB, CCVC, NLĐ thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.
Công dân là NLĐ thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
Theo ông, Luật sẽ góp phần khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở như nào?
-Thời gian qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn tồn tại những hạn chế như: “Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Vẫn còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở”, như Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ.
Với Luật này, thời gian tới, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, người dân có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình.
Chẳng hạn, Luật bổ sung những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai như: Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công. Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công. Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công.
Đặc biệt, các hành vi như gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.... sẽ bị nghiêm cấm (Điều 9).
Xin cảm ơn ông.
PHÚC MINH (Thực hiện)