.

Cơn sốt cà phê muối

Cập nhật: 19:26, 09/06/2023 (GMT+7)

Khởi nguồn cà phê muối là của người dân Huế khoảng 10 năm trước. Theo thời gian, thức uống này đã có mặt và tạo thành “cơn sốt” ở khắp mọi miền đất nước.

Nhân viên pha chế cà phê muối cho khách tại quán He. Closet  (43A Ngô Đức Kế, TP.Vũng Tàu).
Nhân viên pha chế cà phê muối cho khách tại quán He. Closet (43A Ngô Đức Kế, TP.Vũng Tàu).

Gọi là cà phê muối vì khi nhấp nhẹ môi, vị đầu tiên chạm vào đầu lưỡi là vị mặn, sau đó mới có một tầng ngọt thơm lan tỏa khắp khoang miệng. Ly cà phê chia thành 3 phần rõ rệt: dưới cùng là sữa đặc, ở giữa cà phê, phía trên phủ một lớp giống như kem sánh mịn và đá để riêng. Khi uống, dùng muỗng khuấy đều cho 3 tầng quyện vào nhau, sau đó tùy thuộc sở thích mỗi người mà cho ít hay nhiều nước đá. Ly cà phê dù để lâu vẫn không bị nhạt vị, rất đậm đà.

Một trong những tiệm cà phê muối được cộng đồng ẩm thực “review” nhiều là quán Muối (124 Lý Thường Kiệt, TP.Vũng Tàu). Quán có không gian nhỏ nhắn, xinh xắn với vài hàng ghế xếp và nhiều góc phủ cây xanh mát mắt. Cà phê muối nơi đây được đánh giá thơm ngon, vừa vị với nhiều đối tượng khách hàng.

Ly cà phê muối trông rất bắt mắt tại quán Muối (124, Lý Thường Kiệt, TP.Vũng Tàu).
Ly cà phê muối bắt mắt tại quán Muối (124 Lý Thường Kiệt, TP.Vũng Tàu).

Là một “fan cứng” của quán Muối, bạn Trần Anh Tuấn (phường 1, TP.Vũng Tàu) nói: “Tôi vốn không phải là người thích uống cà phê, thế nhưng đã bị ghiền ngay khi thưởng thức ly cà phê muối ở đây. Cách pha chế này khiến cà phê rất dễ uống, vị dịu nhẹ, lôi cuốn. Ngoài ra, cà phê muối mang hương vị rất mới lạ khi kết hợp chút béo nhẹ, chút mằn mặn của muối và kem trong ly cà phê truyền thống. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị cà phê đắng dịu và hơi mặn ở đầu lưỡi, kết hợp cùng vị ngọt của sữa giúp ly cà phê trở nên hài hòa hơn”.

Ngoài quán Muối, quán He. Closet (43A Ngô Đức Kế, TP.Vũng Tàu) cũng được nhiều người biết đến dù không gian ở đây khá hẹp, chỉ chứa đủ 5-6 khách/lượt. Thế nhưng, nhờ có thêm một vài biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị khách hàng mà món cà phê muối ở đây rất được lòng thực khách nhờ vị cà phê đậm đà, hấp dẫn chinh phục những người ghiền cà phê thứ thiệt.

Một ly cà phê muối thường có cà phê pha phin, sữa tươi lên men, sữa đặc, kem và chút muối tinh.  Để có được một ly cà phê muối ngon đúng điệu, trước hết dùng nước đun sôi  tráng qua phin. Cho 3 muỗng bột cà phê nguyên chất vào phin, rót 45ml nước sôi vào để ủ cà phê trong khoảng 2 phút cho bột cà phê nở đều. Tiếp tục rót thêm 50ml nước sôi vào phin. Chờ cà phê nhỏ giọt đến khi hết nước trong phin. Trong khi chờ cà phê nhỏ giọt, cho 5g muối vào 200ml kem béo thực vật. Dùng máy đánh sữa đánh bông hỗn hợp trong 2-3 phút. Cho 25ml sữa đặc vào cà phê đã pha. Sau đó cho 15-20ml hỗn hợp kem mặn vào là được ly cà phê muối thành phẩm.

Điểm đặc biệt khi uống cà phê muối là người uống khuấy đều rồi thêm đá là có thể thưởng thức. “Vị ngon của cà phê muối có thể được ví như chất gây nghiện. Vị mặn mòi của muối giúp trung hòa vị ngọt thanh và vị đắng của cà phê, để tổng hòa hương vị ly cà phê là sự bùi béo thơm nồng đọng lại trên đầu lưỡi người uống, đến mức khó có thể ngừng lại, nhưng cũng không ai nỡ uống một hơi cho cạn để phải thèm thuồng sau đó”, anh Giáp Việt Anh (ngụ phường 7, TP.Vũng Tàu) chia sẻ.   

Ngoài 2 địa chỉ trên, ở Vũng Tàu nếu muốn thưởng thức món cà phê đặc biệt này, bạn có thể tới một số quán khác như: Mr Rado Café (lô GA.0112, khu A chung cư GATEWAY); Radio Café (số 7 Lê Lợi), Nhiên Coffee (số 8 Bacu). 

Khách thưởng thức cà phê muối chú Bông (150/3A, Hạ Long,  TP.Vũng Tàu).
Khách thưởng thức cà phê muối chú Bông (150/3A Hạ Long, TP.Vũng Tàu).

Theo cảm nhận của nhiều người, tuy chưa phải là thức uống ngon trứ danh như ở Huế nhưng cà phê muối ở Vũng Tàu khá dễ uống, cân bằng được vị đắng của cà phê, vị béo ngậy của sữa và độ mặn vừa phải của muối.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.