Điều kỳ diệu của hôn nhân
Trong đời sống hôn nhân gia đình để hạnh phúc, tất nhiên cần phải có rất nhiều yếu tố liên quan bổ sung cho nhau. Ở đây, tôi muốn nói đến vai trò của con cái.
Minh họa: MINH SƠN |
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ con cái phải tuân theo, phải lắng nghe ý kiến của cha mẹ, chứ không thể tham gia vào những câu chuyện những vấn đề có tính cách quyết định trong gia đình. Nếu cha mẹ đã quyết định vấn đề gì đó, con cái dứt khoát tuân theo, “chấp hành mệnh lệnh”. Liệu điều đó có đúng hay không?
Đôi khi trong một phạm vi nào đó, con cái lại góp phần quyết định “làm mới” lại mối quan hệ của ba mẹ mình-điều này nhiều nhà tư vấn tâm lý đã cho biết. Chẳng hạn có trường hợp, người chồng khăng khăng phải ly dị vợ, phải chia tay ngay lập tức vì anh đã bắt gặp vợ xà nẹo, tình tứ với người đàn ông lạ hoắc. Máu ghen nổi lên đùng đùng, anh quyết định làm cho “ra môn ra khoai”.
Liệu chừng ý định của anh có thể thực hiện?
Lúc bấy giờ, sau khi nghe ba mẹ cãi vã nhau, con của họ là bé nhóc mới lên mười đã mếu máo níu áo mẹ, đại khái, nếu họ chia tay nhau, bé không đi học nữa. Trước tình huống bất ngờ này, cả hai vợ chồng đều suy nghĩ lại. Do biết lỗi của mình, cô vợ mới vin lấy ý kiến của con làm cái cớ “hạ hồi phân giải”. Cô bảo anh rằng, sau khi bé nhóc tốt nghiệp trung học thì mình chia tay nhau cũng không muộn. Còn nếu bây giờ ta “đường ai nấy đi” thì việc học của con sẽ bất ổn.
Nghe cũng có lý, anh chồng ngần ngừ suy nghĩ rồi gật đầu với đề nghị của vợ. Chưa chắc tha thứ lỗi lầm cho vợ, nhưng anh ta chấp thuận chỉ vì nghĩ đến tương lai của con. Trải dài theo năm tháng, như người ta nói “qua thời gian vết thương đều lành sẹo”, dần dà họ lại gắn kết cùng nhau. Nếu không có ý kiến của đứa bé, chắc chắn xảy ra trường hợp “chồng một nơi, vợ một nẻo”.
Thật ra đây không phải là một trường hợp cá biệt, tôi biết có những gia đình sở dĩ người chồng tự ý thức bào mòn cá tính thời độc thân của mình, trở nên có trách nhiệm hơn, siêng năng hơn trong công ăn việc làm cũng chỉ vì nghĩ đến con. Nghĩ rằng, mình đã có con thì lo toan dạy dỗ, do đó phải sống, phải làm việc như thế nào cho đúng. Thí dụ, đã vợ con mà lại giữ thói ba lăng nhăng, đuổi chim bắt bướm, liệu con mình biết thì sao?
Khi đặt ra những câu hỏi tương tự, chính là lúc người đàn ông đã “trưởng thành”. Và ngay cả người vợ, nhiều khi phải kìm lòng mình trước những điều không ưng ý cũng chỉ vì muốn giữ hình ảnh hòa thuận của cha mẹ trong mắt con cái. Chị bạn của tôi là một phụ nữ làm ra tiền, có thể nói là một doanh nhân thành đạt. Trước đây hễ cuối tuần là chị tụ tập bạn bè hoặc liên hoan ăn uống ca hát hoặc rủ nhau đi chơi xa, rồi… khoe hình lên facebook! Với chị, đó mới là “niềm vui sống” của một người hạnh phúc. Nhưng bây giờ, những thú vui ấy chị gạt bỏ không phải vì anh chồng có ý kiến ý cò, đơn giản chỉ nghĩ mình cần nhiều thời gian hơn nữa cho con.
Bạn có tin không, nhưng đây là câu chuyện thật. Rằng, anh bạn tôi đã ly dị vợ. Sau thời gian dài tha hồ trở lại đời độc thân, tha hồ bồ bịch rồi đến một ngày anh ngã bệnh, bấy giờ mới thấy cần thiết biết bao nhiêu một mái ấm khi mà mình đã già, đã “mỏi gối chồn chân”. Thương hại anh lẻ loi một mình một căn hộ chung cư, nhỡ đêm hôm gió máy trở trời biết cầu cứu ai? Thế là họ khuyên anh nên tìm về vợ cũ. Nghe buồn cười. Sức mấy cô vợ cũ đồng ý. Vậy phải làm sao?
Nghe lời theo lời tư vấn của nhiều người anh sử dụng chiến thuật “mưu phạt tâm công”, tức là “đánh vào lòng người”, vào sự thương cảm của cô vợ cũ, nhưng lại thông qua… con. Anh tâm sự cùng con, nhờ con tỉ tê năn nỉ mẹ cho anh “tìm về tổ ấm”. Thế mà, bạn biết sao không? Cuối cùng cũng chỉ yêu cầu tha thiết của con mà người vợ chấp thuận.
Ta thấy, có những gia đình do sự xuất hiện một thành viên bé bỏng, dù chưa khôn lớn nhưng rồi cả vợ lẫn chồng khi giận nhau, khi “cơm không lành, canh không ngọt” đều nhìn vào con để có cách cư xử sao cho phù hợp nhất. Bản thân đứa bé, có thể nói như là một điểm sáng và cả chồng lẫn vợ trước khi làm một điều gì cũng phải suy nghĩ đắn đo cho chín chắn.
Rõ ràng, đó cũng là một điều kỳ diệu nhất trong hôn nhân.
LÊ MINH QUỐC