'Bí kíp' đánh bắt truyền thống của ngư dân
Dù nhiều ghe đã sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại để khai thác hải sản nhưng nghề làm chà để “dụ” cá vẫn là tuyệt chiêu đánh bắt của ngư dân TT.Long Hải (huyện Long Điền).
Ông Ngô Văn Năm tết lá dừa làm chà đánh bắt ở cảng cá Phương Vy (huyện Long Điền). |
Thả chà “dụ” cá
Đến cảng Hưng Thái, cảng Phương Vy (huyện Long Điền) những ngày này, mọi người dễ dàng bắt gặp cảnh nhộn nhịp vận chuyển ngư cụ, nguyên liệu xuống ghe cho chuyến đánh bắt xa bờ hoặc hình ảnh ngư dân cặm cụi ngồi tết lá dừa để làm chà ra biển thả “dụ” cá.
Đang ngồi tết lá dừa làm chà ở cảng Phương Vy, ông Ngô Văn Năm (KP.Hải Hà, TT.Long Hải) cho hay, ông mới theo nghề này nửa năm nay, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Công việc hàng ngày của ông là ngồi tết các lá dừa vào 1 sợi dây neo thành mảng lớn dài từ 70-170m.
“Tùy ghe dùng mảng chà lớn hay nhỏ. Lớn thì chiều dài từ 150-170m với khoảng 300 lá dừa tết lại với nhau. Còn chà nhỏ dài 70m chỉ cần khoảng 100 lá dừa. Các mảng lá dừa sẽ được thả thẳng đứng xuống biển theo chiều dài từ 50-200m, đầu phía dưới cố định với 1 sọt đá chẻ để neo mảng dừa lại dưới biển không bị nước cuốn trôi, đầu trên gắn với các cây tre hoặc 1 thùng phuy để nổi lên mặt biển”, tay thoăn thoắt tết lá dừa, ông Năm giải thích.
Theo các ngư dân, thả chà “dụ” cá là bí quyết truyền thống có từ lâu đời của người dân vùng biển Long Hải. Cội chà-là cách ngư dân dùng cây tre (hoặc thùng phuy), lá dừa, đá chẻ kết thành mảng thả xuống biển. Mỗi điểm chà có thể thả vài chục, thậm chí cả trăm mảng lá dừa, tạo thành một vùng rạn nhân tạo như ngôi nhà tạo bóng mát để thu hút đàn cá về cư trú.
Lợi dụng tập tính các loài cá thường tập trung núp bóng ở các gò, rạn, vật trôi nổi trong nước, ngư dân thả những gốc chà dọc xuống biển để các loại cá như: nục, bạc má, chỉ vàng, ngừ, bò... khi di chuyển qua, gặp các gốc chà này chúng tụ tập lại để dựa bóng mát cư trú hoặc bắt mồi.
Lao động tất bật tết lá dừa để ghe tàu đem ra biển gia cố, tu bổ cho các điểm chà dẫn dụ cá. |
Đầu tư cũng tốn kém
Được giới thiệu là một trong những ngư dân có nhiều đời làm chà đánh bắt cá ở vùng biển Long Hải và có những điểm chà “xịn”, ông Nguyễn Văn Lộc (KP.Hải Điền, TT.Long Hải) chỉ cười khà khà cho rằng việc phát hiện những nơi có nhiều cá để thả chà là dựa vào kinh nghiệm, tay nghề của từng thuyền trưởng. Đây là bí quyết, tuyệt chiêu riêng của từng nhà, không thể chia sẻ. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các điểm chà cũng tốn kém không thua gì việc sắm một máy tầm ngư hiện đại vài tỷ đồng.
“Ghe nhà tôi đánh cá ngừ, cá bò nên phải thả chà, các mảng lá dừa xuống mặt nước biển. Một mảng tết khoảng 300 lá dừa, cộng với chi phí thùng phi, đá chẻ hết tổng cộng khoảng 4-5 triệu đồng/mảng. Tùy từng điểm chà nhiều ít cá có thể thả từ 20-100 mảng lá dừa/chà. Nhà tôi có khoảng 20-30 điểm chà đánh bắt cá trên biển, chi phí tu bổ hàng năm cũng cả tỷ đồng”, ông Lộc chia sẻ.
Khi quan sát thấy đàn cá tụ tập nhiều, ngư dân sẽ lựa chiều gió, hướng nước chảy thích hợp rồi thả lưới vây bắt cá. Chà dùng lâu ngày bị hư hỏng nên ngư dân phải tu bổ, gia cố thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
|
Một điểm chà tốt có thể đem lại hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá mỗi năm cho ngư dân. Chính vì thế mặc dù ngày nay nhiều ghe tàu đã áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào đánh bắt hải sản nhưng theo UBND TT.Long Hải hiện vẫn còn khoảng 40 ghe áp dụng phương pháp đánh bắt cá truyền thống này, chủ yếu là các ghe làm nghề lưới vây đánh bắt xa bờ, các điểm chà cách bờ khoảng 120 hải lý.
“Do vẫn khai thác hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế tốt nên các điểm chà vẫn tồn tại như là một nét riêng của vùng đất này”, ông Hà Thanh, cán bộ phụ trách thủy hải sản UBND TT.Long Hải bày tỏ.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH