Cẩn trọng khi ăn nấm lạ
Trong 2 ngày 27 và 28/5, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận 6 bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm lạ. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân không được ăn khi chưa phân biệt được nấm lành hay nấm độc.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra sức khỏe cho chị P.T.K.T. (46 tuổi, ngụ huyện Long Điền) bị ngộ độc nấm. |
Bệnh nhân P.T.K.T., (46 tuổi, ngụ huyện Long Điền) kể lại, trưa 27/5, chị cùng một số người đã ăn món nấm xào chay. Loại nấm này do một nhóm người hái từ trên núi. Sau khi ăn một lúc, chị cảm thấy mỏi 2 mắt, sau đó chóng mặt, ói, tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi và lơ mơ nên được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nấm nên cho nhập viện điều trị. Trong thời gian nằm viện, chị được bù dịch điện giải, men tiêu hóa nên sức khỏe dần bình phục. “Loại nấm tôi ăn hôm đó có màu trắng, thân mềm. Tôi chưa thấy loại nấm này bao giờ nhưng thấy người khác ăn thì cũng ăn”, chị T. chia sẻ.
Theo bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa, 6 người vào bệnh viện trong 2 ngày 27 và 28/5 do ăn nấm độc đều có các triệu chứng: lơ mơ, ói, đau bụng và tiêu chảy. Trong đó, 2 người đã chuyển lên bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, 3 người điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa và 1 người đã hồi phục, trở về nhà. Đến nay, những ca bệnh điều trị ở Bệnh viện Bà Rịa đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.
Nấm độc trắng hình nón là 1 trong những loại nấm có độc tính cao. (Ảnh minh họa) |
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, sau khi ăn nấm độc, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm trong vòng 2 giờ hoặc muộn hơn sau 6 giờ. Tất cả các loại nấm độc đều gây nôn ói và đau bụng. Ngoài ra, các biểu hiện khác kèm theo sẽ thay đổi theo từng loại nấm và số lượng nấm đã ăn. Nấm độc có thể có các độc tố như: amatoxin (gây ói, tiêu chảy, đau quặn bụng), coprine (gây trụy tim mạch, toát mồ hôi, mặt đỏ, nóng bừng), psilocybin (gây ảo giác, co giật), allenic, norleucin, orellanine (gây viêm kẽ ống thận cấp dẫn tới suy thận cấp) và muscarin (làm tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, co đồng tử).
Khi đã ăn phải nấm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây trụy mạch, rối loạn điện giải do nôn ói, tiêu chảy mất dịch nhiều; suy hô hấp do độc tố của nấm gây tình trạng tăng tiết đờm nhớt trong phế quản; ảo giác, co giật động kinh. Bên cạnh đó, một số loại nấm có độc tố nguy hiểm sẽ gây biến chứng suy gan, suy thận, đe dọa tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Duyên thông tin thêm, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên thực tế có hàng ngàn loại nấm, tuy nhiên có khoảng 70-80 loại nấm độc. Dù số lượng nấm độc không nhiều nhưng việc phát hiện nấm độc với nấm không độc rất khó khăn kể cả với người có kinh nghiệm về các loại nấm.
Bác sĩ Duyên khuyến cáo, do việc phân biệt nấm lành và độc khó khăn nên người dân chỉ nên ăn các loại nấm có nguồn gốc, bảo quản tốt và được bán ở các địa chỉ đáng tin cậy có ghi rõ nhãn mác, thời hạn sử dụng… Tuyệt đối không nên ăn khi nghi ngờ là nấm độc.
“Nếu đã ăn nấm và có biểu hiện của ngộ độc, người dân phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Duyên nhấn mạnh.
Hiện có một số loại nấm độc phổ biến ở nước ta, ăn vào có thể gây tử vong. Đầu tiên là nấm độc tán trắng thường mọc thành cụm hoặc đơn chiếc. Nấm có đặc điểm mũ nấm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng dính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng có đường kính 5-10cm, phiến và cuống nấm màu trắng, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
Loại thứ hai là nấm độc trắng hình nón. Loại nấm này khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4-10cm. Thứ ba, nấm mũ khía nâu xám, có mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa từ đỉnh xuống mép mũ. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ thành các tia riêng lẻ, đường kính mũ nấm 2-8cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống, khi già có màu xám hoặc nâu, tách rời khỏi cuống. Cuống nấm có màu từ hơi trắng đến vàng nâu, dài 3-9cm, thịt nấm màu trăng. Thứ tư, nấm ô tán trắng phiến xanh với đặc điểm nhận dạng là mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng và đường kính 5-15cm.
|
Bài, ảnh: TUỆ LÂM