Lặng thầm với sách cũ
70 tuổi, bà Lương Thị Thọ có 26 năm gắn bó với nghề bán sách cũ, âm thầm lan tỏa tình yêu sách với mọi người.
Bà Lương Thị Thọ (70 tuổi), chủ tiệm sách cũ 66 Lê Lai với kho sách cũ đủ các thể loại sách |
7 giờ tối, mặc dù đã đến giờ đóng cửa nhưng có khách đến mua nên bà Lương Thị Thọ, chủ tiệm sách cũ 66 Lê Lai (phường 1, TP.Vũng Tàu) vẫn nán lại, mở cửa phục vụ thêm giờ.
Với diện tích chừng 35m2 nhưng sách chồng kín hết cửa tiệm và chất cao quá đầu người. Sách ở dưới đất, sách ở trên đầu, sách trên ở trên kệ… Hàng trăm ngàn cuốn sách cũ cứ thế được bà Thọ nâng niu cất giữ để bán cho người cần. Bà kể, 26 năm trước, từ một “mọt sách”, bà nghĩ đến việc kinh doanh món gì mà mình yêu thích và đam mê.
Mở tiệm sách mới, chi phí cao thì khó. Vốn ít, bà lên Sài Gòn tìm mua chưa được vài trăm cuốn sách cũ rồi về mở tiệm sách cũ. Thời đó, sách còn ít, bà phải rải từng cuốn ra trông cho nhiều. Kinh doanh sách cũ lâu năm, nhiều người biết đến nên có sách không dùng đến người ta lại đem ra bán cho bà. Cứ thế, cửa hàng sách cũ cứ ngày mỗi dày thêm, nhiều thêm.
Câu chuyện với tôi đang dở thì có 2 em HS được mẹ chở đến mua sách, bà Thọ đon đả: “Con cần tìm sách gì”. “Con đang đọc 2 cuốn Thám tử Sherlock Holmes. Hôm nay con ra đây muốn tìm cho đủ bộ”, cậu bé nói. “Chờ bà nhé”, nói rồi bà Thọ len người vào bên trong. Bàn tay bà lần lần theo dãy sách nước ngoài rồi với đến dãy truyện trinh thám và lấy ra một tập truyện. Đó là những cuốn sách mà khách hàng nhí của bà đang cần.
Một em HS khác sau khi chọn được 7 cuốn sách vừa văn học nước ngoài vừa văn học Việt Nam. Lúc ra tính tiền, bà Thọ nhẩm nhẩm rồi báo “của con hết 200 ngàn”. Cô bé ngạc nhiên vì trong 7 cuốn này nói là sách cũ nhưng vẫn có nhiều cuốn còn rất mới, những cuốn sách khác cũ hơn một chút nhưng vẫn còn nguyên vẹn không hề rách một trang nào.
“Nếu mua ở nhà sách chắc cũng khoảng 500-600 ngàn đồng. Em thích mua sách cũ vì giá rẻ, hơn nữa có nhiều cuốn sách nếu tìm ở cửa hàng sách mới cũng không có bán. Mỗi khi cần mua sách là em thường ra đây chọn, sách phong phú, giá lại chỉ bằng ½ giá sách mới thôi ạ”, em Nguyễn Thị Mai Anh (lớp 6 trường THCS Vũng Tàu) cho biết.
Khi khách hàng đã vãn bớt, bà Thọ kể tiếp với tôi về duyên nợ với sách cũ. Khoảng vài chục năm về trước, khi mạng internet chưa phổ biến, chưa có sự xuất hiện của smartphone, được cầm trên tay một cuốn sách, tờ báo là niềm vui của nhiều người.
Đó là thời mà những hiệu sách cũ luôn có kẻ ra người vào tấp nập, niềm hạnh phúc của người chơi sách là tìm được một cuốn sách hay, sách “độc” với giá “vừa túi tiền”. Bà Thọ hào hứng kể: “Thời đó cửa hàng thường xuyên đón những bậc lão làng trong giới nghiên cứu. Họ hỏi tôi về những cuốn sách cổ trong lĩnh vực của mình. Có những người đến đây vì đam mê sách cổ, để sưu tầm những cuốn sách giá trị về một thần tượng nào đó”.
Trong thế giới sách cũ của bà Lương Thị Thọ có sự hiện diện của nhiều cuốn sách rất quý như: Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel năm 1950), Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận hay Những người khốn khổ; bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang Anh ngữ, Kinh thánh, Từ điển Pháp - Việt của cụ Đào Duy Anh xuất bản năm 1936...
Qua thời gian, với sự phát triển của ngành xuất bản, internet, công nghệ thông tin, thị trường sách cũ dần thu hẹp, số hiệu sách cũ giảm mạnh. Tiệm sách cũ không tên của bà Thọ có lẽ là địa chỉ bán sách cũ duy nhất còn sót lại ở Vũng Tàu. Hàng ngày bà Thọ vẫn chạy chiếc xe máy cà tàng từ nhà (210 Lê Lợi, phường 4) đến tiệm.
Bà mở cửa và bê những đống sách báo cũ từ trong ra, rồi lại dọn dẹp, lau chùi, sắp xếp sách theo từng chủ đề, từng thể loại để khách hàng dễ tìm kiếm. Công việc của bà cứ thế quanh quẩn bên những chồng sách cũ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Theo bà Thọ, khách hàng của tiệm sách cũ có đủ mọi lứa tuổi và thành phần xã hội. Có thể là người cha, người mẹ đi tìm sách học cho con; cũng có thể là những bạn sinh viên nghèo muốn tìm những cuốn giáo trình chỉ bằng 20% -50% giá bìa…
Bà Thọ cho biết, có những cuốn không thể mua bằng ký, càng không thể bán bằng cách cân đong. Giá trị của cuốn sách cũng vô chừng lắm. “Thấy các em học sinh mê sách, tôi chỉ lấy bằng vốn thôi. Người nghèo mà cần sách tôi tặng luôn chứ không lấy tiền. Có người đến mua sách để góp cho các tủ sách ở đâu đó, ngoài sách họ mua, tôi cũng góp sách chung với họ để xây dựng tủ sách. Tôi nói điều này không phải là để kể công mà là tôi muốn nhân lên ngày càng nhiều tình yêu của mọi người với sách, muốn lan tỏa và truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến những người khác”, bà Thọ tâm sự.
“Nhiều người hỏi tôi có khoảng bao nhiêu đầu sách? Câu hỏi làm tôi rất khó trả lời. Quả thực là tôi không thể nhớ, chỉ biết rằng 26 năm qua, có nhiều - nhiều lắm sách ở đây” – câu chuyện sách cũ của tôi với bà Thọ khép lại như thế.
Bài, ảnh: QUANG VŨ