Nuôi thú cưng, coi chừng bệnh sán chó
Tại Việt Nam, chó là vật nuôi phổ biến. Theo một khảo sát của ngành y tế dự phòng, ở thành phố trung bình cứ 10 gia đình thì có 4 nhà nuôi chó còn ở các vùng nông thôn, con số còn cao hơn. Hầu hết đều tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh dại bằng cách tiêm phòng, xử lý ve chó, bọ chó với những loại thuốc tắm đặc trị.
Mắt người nhiễm sán chó. |
Tuy nhiên, nhiều người lại lơ là với bệnh sán chó trong lúc đây là loại bệnh gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe vì nó diễn tiến âm thầm, ít có những dấu hiệu đặc trưng, nhất là đối với trẻ em…
Sán chó là gì?
Sán chó (còn gọi là sán dây chó, sán dải chó) tên khoa học là Dipylidium Caninum, thường sống ký sinh ở chó và mèo nhưng cũng có thể tìm thấy ở người, nhất là trẻ em. Sán chó màu hồng nhạt, dài khoảng 10cm đến 70cm, gồm 175 đốt.
Những đốt sán trưởng thành có cả cơ quan sinh dục đực và cái, nằm ở hai bên của đốt sán nên vì thế, sán chó có thể tự sinh sản. Mỗi đốt sán chứa từ 100 đến 200 nang trứng, mỗi nang trứng có 8 đến 15 trứng.
Sán chó sống ký sinh trong ruột non của chó. Những đốt sán già chứa trứng đứt ra thành từng đốt hoặc từng đoạn ngắn rồi tự di chuyển ra môi trường bên ngoài theo đường hậu môn hoặc theo phân chó, nhiều đốt dính vào lông. Chó lại có thói quen liếm lông, liếm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, liếm vào chân, tay, thậm chí vào mặt người nuôi hoặc những người hay bế, ẵm, hoặc cho chúng ngủ chung nên trứng sán chó truyền sang người.
Nếu vô tình đưa tay đã nhiễm trứng sán chó rồi cầm thức ăn cho vào miệng, hoặc thói quen mút tay ở trẻ em…, thì sẽ nhiễm sán chó. Ngoài ra, những nơi chó phóng uế cũng là nguồn lây nhiễm nếu chúng ta hốt rác, nhặt nhạnh, bới tìm đồ vật nhưng sau đó không rửa tay, hoặc trẻ em chơi đùa, nghịch đất.
Lúc vào người, trứng sán chó sống ký sinh ở ruột non rồi trưởng thành sau khoảng 1 tháng. Khi sán chó trưởng thành, chu kỳ sinh sản của chúng tại tiếp tục bằng cách thải trứng theo phân người ra ngoài, Nếu phân người có trứng sán lại được dùng để tưới rau như một số vùng vẫn còn thực hiện, trứng sẽ bám vào rau, đặc biệt là vài loại rau như rau ngổ, rau cần nước, lá mơ lông…, con người ăn vào mà không rửa kỹ hoặc nấu chín, người ăn sẽ bị nhiễm.
Các biểu hiện của bệnh sán chó
Người nhiễm sán chó thường hay bị mẩn ngứa, nổi mề đay trên da nhưng các triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với dị ứng thực phẩm, hóa chất hoặc một số bệnh ngoài da.
Ngoài ra người bệnh còn có thể bị tiêu chảy, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, ngứa xung quanh hậu môn, suy nhược, thiếu máu, hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng giả loét… Bên cạnh đó, nếu sán chó di chuyển lên não, mắt, nó gây ra hiện tượng viêm màng bồ đào, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, giảm sút trí nhớ, giảm thị lực, thậm chí là động kinh, liệt nửa người hoặc hôn mê.
Vì thế, nếu nhà có nuôi chó hoặc thường xuyên tiếp xúc, chơi đùa với chó mà cơ thể cảm thấy bất thường thì nên đi khám. Các phương pháp phát hiện bệnh sán chó hiện nay bao gồm siêu âm, chụp CT để tìm nang sán, xét nhiệm huyết thanh tìm kháng thể.
Sán chó không trực tiếp lây từ người sang người, không di chuyển qua đường máu và sữa mẹ nên không thể truyền từ mẹ sang con.
Điều trị và phòng ngừa bệnh sán chó
Việc điều trị sán chó phụ thuộc vào mức độ nhiễm và các cơ quan bị ảnh hưởng. Ở giai đoạn nhẹ, mới xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, mẩn ngứa, bác sĩ sẽ kê toa thuốc.Trường hợp sán chó đã di chuyển lên não gây động kinh hoặc lên mắt gây giảm thị lực, tổn thương màng bồ đào, nhãn cầu, việc điều trị sẽ khó khăn và lâu dài hơn.
Tuyệt đối không uống thuốc theo lối truyền khẩu, thí dụ có người quen bị sán chó và đã chữa khỏi bằng các loại thuốc A, B, C thì không nên dựa vào đơn thuốc ấy rồi tự mua về uống khi chưa biết mình đang nhiễm sán chó ở mức độ nào, những cơ quan nào trong cơ thể đã có sán chó.
Nếu nhà có nuôi chó, nên tẩy sán, diệt ve, bọ chét cho chó theo định kỳ và cũng đừng quên tiêm phòng bệnh dại cho chó. Thường xuyên tắm chó bằng những loại xà bông đặc trị ve, bọ chét, rất dễ mua ở những cửa hàng thuốc thú y.
Không nên cho chó ngủ chung, nhất là với trẻ em, hạn chế để chó liếm tay, chân, mặt. Không ôm ấp, vuốt ve chó. Tập thói quen cho chó bài tiết ở một nơi nhất định, phân chó không đổ chung với rác sinh hoạt hàng ngày mà cho vào túi nylon rồi buộc chặt. Rửa rau thật kỹ nếu ăn sống, nhúng tái. Nếu luộc hay xào thì nên để sôi ở 1000C ít nhất 15 phút.
Với trẻ em có thói quen ngậm tay, cắn móng tay, bốc thức ăn đưa vào miệng…, cha mẹ, các cô bảo mẫu, giáo viên…, thường xuyên cắt móng tay, rửa sạch bàn tay của trẻ, đặc biệt là sau khi chơi đùa và trước khi ăn uống.
NGUYỄN TUYẾT MAI
(Bác sĩ Chuyên khoa 1, Phòng khám đa khoa Mai Phương, TP.HCM)