.

Độc đáo vẽ nghệ thuật trên áo dài

Cập nhật: 15:57, 19/05/2023 (GMT+7)

Bằng tình yêu với hội họa, với áo dài, chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (tổ 7, ấp Thạnh Sơn 3, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) đã “biến” những chiếc áo dài đơn sắc thành những bức tranh sống động hút mọi ánh nhìn.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (bên phải) hướng dẫn học viên vẽ các họa tiết hoa-lá đơn giản lên vải.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (bên phải) hướng dẫn học viên vẽ các họa tiết hoa-lá đơn giản lên vải.

Từ niềm đam mê

Buổi chiều cuối tuần, chúng tôi có dịp cùng các hội viên Hội LHPN xã Phước Tân ghé thăm xưởng vẽ tranh của gia đình chị Mỹ Châu. Bên trong xưởng, chị vẫn miệt mài vẽ để kịp giao cho khách.

“Làm nghề này phải dụng tâm, tỉ mỉ, bởi mình phải “thổi hồn” qua từng nét vẽ. Phải đam mê, yêu thích lắm mới trụ vững và phát triển đến bây giờ”, chị Châu nghiêng cọ, cất màu vẽ bắt chuyện với khách.

Chị chia sẻ, hơn 10 năm trước, chị theo chồng lên TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sẵn có niềm đam mê với hội họa, chồng cũng là một nhà thiết kế, họa sĩ nên những bức tranh đầu tiên từ sự sáng tạo, thiết kế riêng của người họa sĩ đã ra đời, xưởng vẽ tranh trên vải cũng được thành lập.

Đến năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình chị chuyển về xã Phước Tân. Tại đây, nhận thấy nhiều phụ nữ hầu như chỉ quanh quẩn với việc nhà, bếp núc, chăm con, không có thu nhập, chị bàn với chồng chuyển cơ ngơi từ TP.Hồ Chí Minh về địa phương lập nghiệp.

Chị Mỹ Châu cho biết thêm, màu vẽ trên vải là màu chuyên dụng, khi mang giặt vẫn giữ được nét vẽ nên số lượng đơn hàng của xưởng luôn ổn định. Để tạo nghề, việc làm cho hội viên, chị Châu tìm đến Hội LHPN địa phương chia sẻ về ý định của mình, từ đó, nhiều chuyến tham quan, học hỏi được Hội LHPN thực hiện, các hội viên có nhu cầu học nghề tìm đến và được nhận vào học việc tại đây.

Thời gian qua, để tạo việc làm giúp đỡ hội viên khó khăn tại địa phương, Hội LHPN xã tổ chức nhiều đoàn đến tham quan tại xưởng vẽ của chị Mỹ Châu. Nhiều hội viên đã đăng ký học nghề và giới thiệu rộng rãi cho con em các địa phương khác cùng tới học hỏi. Hội LHPN xã cũng hỗ trợ làm hồ sơ dự thi cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cho chị Mỹ Châu.
Chị Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Tân

“Tôi luôn dành sự ưu tiên cho các chị em là phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là chị em có con nhỏ, không có thu nhập ổn định. Các chị khéo tay sẽ được đào tạo nghề và tận dụng tài hoa của mình để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những chị khác ít thời gian hơn có thể nhận vải về nhà đính cườm.

Với niềm đam mê với áo dài, chị Mỹ Châu đang học thêm lớp thiết kế để không chỉ vẽ tranh trên vải mà còn muốn “chắp cánh” cho những chiếc áo dài truyền thống trở nên đẹp, ấn tượng hơn ở các cuộc thi do Hội LHPN tổ chức.

Hội viên khi đến với xưởng vẽ của chị Mỹ Châu được đào tạo nghề miễn phí. Những ngày đầu họ được chị hướng dẫn làm quen với cọ vẽ, màu và các quy cách đường nét vẽ sao cho hợp lý, đẹp mắt. Qua tuần thứ 2, học viên được tập tành vẽ những tác phẩm đơn giản là hoa, lá trên vải.

Ngày tiếp theo, học viên tự tin, mạnh dạn vẽ những nét dài hơn, họa tiết phức tạp, độ khó tăng dần lên. Đến khoảng tháng thứ 3-4, người thợ vẽ hoàn thiện sản phẩm và 6 tháng được ra nghề. Thời gian đầu học việc, học viên được hỗ trợ một phần chi phí đi lại.

Khi cứng tay nghề, trở thành thợ vẽ tại xưởng thì được giao các sản phẩm theo đơn đặt hàng và được tính công trên đầu sản phẩm. Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh thợ thu về từ 25.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Các họa tiết là chim công, chim hạc, cảnh đồng quê được vẽ trên vải tại xưởng của gia đình chị Mỹ Châu.
Các họa tiết là chim công, chim hạc, cảnh đồng quê được vẽ trên vải tại xưởng của gia đình chị Mỹ Châu.

Tạo việc làm cho phụ nữ địa phương

Hơn 4 tháng vào làm việc tại xưởng vẽ, chị Lê Thị Kim Hiền (ấp Nhân Tiến, xã Xuyên Mộc) đã tự tin hoàn thiện những bức vẽ hoa nghệ thuật trên vải. Chị chia sẻ: “Từ ngày biết chị Châu nhận dạy nghề miễn phí, tôi cùng các chị em đến học việc. Vừa được dạy nghề lại có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nên các chị em đều vui”.

Còn với chị Nguyễn Thị Hợi (ấp Thanh Sơn 3, xã Phước Tân) cho biết, trước đây, chị mở spa tại địa phương, do dịch bệnh COVID-19 nên cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Chị chọn xưởng vẽ làm nơi phát huy sở trường của bản thân. “Nghĩ làm chơi, ai dè ăn thật”, chị Hợi gắn bó với xưởng vẽ hơn 1 năm qua và là thợ lành nghề tại đây.

Chị Hợi trở thành người hướng dẫn, chỉ việc cho học viên mới. “Với nghề vẽ tranh trên vải, người thợ chỉ bỏ thời gian mà không mất khoản tiền vốn nào, còn “lãi” được cái nghề”, chị Hợi chia sẻ.

Với các đơn hàng đi đều đặn, chất lượng sản phẩm tốt lên từng ngày, đến nay gia đình chị Mỹ Châu đã mở thêm 2 xưởng vẽ tại La Gi (tỉnh Bình Thuận). Số lượng đơn hàng càng tăng nên chị luôn sẵn sàng nhận học viên có tâm huyết. Hiện xưởng vẽ đang nhận và đào tạo nghề miễn phí cho 13 hội viên phụ nữ.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.