.

Cùng con vượt qua áp lực mùa thi

Cập nhật: 15:51, 19/05/2023 (GMT+7)

Trong khi kỳ thi đang đến thật gần thì bỗng dưng con mình không còn hứng thú với học hành và có ý định bỏ học. Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, cần lắm sự đồng cảm, chia sẻ của phụ huynh cũng như của các thầy cô và bè bạn.

Bước vào mùa thi cần tạo cho học sinh tâm trạng thoải mái.
Bước vào mùa thi cần tạo cho học sinh tâm trạng thoải mái.

Khi con không hứng thú với việc học

Những ngày này, khi các em HS THPT đang tận dụng khoảng “thời gian vàng” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, thế nhưng chị Ngân, đường Lương Văn Nho, phường 9, TP.Vũng Tàu không khỏi bị “sốc” vì con gái tỏ ra chểnh mảng và có ý định bỏ học giữa chừng.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cho biết thêm, thời gian gần đây em Như Linh (con gái chị Ngân) thường xuyên đến lớp trễ giờ và bỏ các buổi học phụ đạo cũng như dễ vi phạm nội quy trong giờ học. Tuy nhiên, điểm số học tập của cô bé khá ổn với mức trung bình khá.

Ở lứa tuổi này, chị Ngân hiểu tâm lý con mình đang ở giai đoạn dễ bất ổn nhất nên phải kết hợp vừa “dạy” vừa “dỗ”. Biết không dễ để con chia sẻ hết nỗi lòng, nên chị Ngân đành chấp nhận phương án cho con nghỉ học trong vòng 1 tuần lễ.

Theo đó, hàng ngày chị vừa quan tâm, chăm sóc bằng việc 2 mẹ con cùng nhau đi chơi, ăn sáng, cà phê và làm việc nhà. Đồng thời, tới gặp bác sĩ tâm lý. Sau vài lần nói chuyện, trao đổi với bác sĩ, chị Ngân mới hiểu ra rằng, con gái chị bị trầm cảm nhẹ. Và lý do con gái chị ngại tới lớp là vì áp lực với các kỳ thi.

Học sinh lớp 12 A5, Trường THPT Nguyễn Huệ vui chơi tại hội trại hè 2023.
Học sinh lớp 12 A5, Trường THPT Nguyễn Huệ vui chơi tại hội trại hè 2023.

“Ngoài học chính ở trường, mỗi ngày em phải học thêm tới 2-3 ca. Có hôm mệt em nghỉ học một buổi thì hôm sau bị thầy cô mắng, thậm chí nói khích quá lời nên em cảm thấy rất lo lắng và sợ sẽ không đạt được kết quả tốt và vào được một trường đại học theo nguyện vọng của mình và cha mẹ”, Như Linh chia sẻ.

Nhận ra được áp lực của con, chị Ngân như trút gánh nặng trong lòng, từ đó chị dành thời gian quan tâm sát sao đến con hơn. Đồng thời, cũng không áp đặt và kỳ vọng quá nhiều vào con. Chị nhờ giao viên chủ nhiệm cũng như bạn bè động viên, giúp đỡ, tạo hứng khởi cho con mỗi lúc đến trường. Nhờ đó, hơn tuần qua con gái chị đã lấy lại trạng thái cân bằng và đến trường đều đặn hơn.

Em Huyền Trâm, đường 30/4, TP.Vũng Tàu cho biết, năm nay em thi vào lớp 10, kỳ thi đang cận kề và em cảm thấy áp lực vô cùng. Với nguyện vọng thi vào trường THPT Vũng Tàu hoặc Nguyễn Huệ như cha mẹ kỳ vọng. Tuy nhiên, ở nhà cha mẹ em ít động viên mà hay la mắng, chỉ trích và buồn nhất là lấy “con nhà người ta” để so sánh với con mình.

Thậm chí cha mẹ con mắng oan em là sa đà vào việc yêu đương nên chểnh mảng việc học. Cứ thế, em luôn cảm thấy áp lực, mặc cảm và mất tự tin vào bản thân. “Áp lực học hành, thi cử, phải đậu vào trường này trường kia khiến em cũng như nhiều bạn khác mệt mỏi, không dám đối diện, đôi khi chọn phương án “đổ bệnh” một cách vô thức. Cũng may, có cô giáo chủ nhiệm hiểu chuyện và rất tâm lý đã động viên em trở lại với việc học hành”- Huyền Trâm tâm sự.

Hãy làm bạn đồng hành của con

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Nguyễn Thị Hồng Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Vũng Tàu chia sẻ, các em tuy lớn về thể xác nhưng nhiều em vẫn là một “đứa trẻ” non nớt, dễ tổn thương. Nên trong cuộc sống khi gặp những chuyện không vui, không như ý các em dễ đổ vỡ tinh thần, hụt hẫng, thậm chí là nghĩ quẩn.

Do đó, ngoài sự quan tâm giáo dục của gia đình, trên lớp thầy cô vừa là người truyền thụ kiến thức nhưng cũng phải sắm thêm vai “bác sĩ tâm lý” để gần gũi, tâm sự, trấn an các em khi có các dấu hiệu bất thường. Nếu không nhiều khi hậu quả khó lường. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để gắn kết, cho HS trong lớp xích lại gần nhau hơn, nạp năng lượng để cùng nhau vượt qua áp lực từ các kỳ thi.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong việc giao tiếp ứng xử giữa cha mẹ và con cái hàng ngày, người lớn không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Hành động này,  không những không làm cho các em học tốt hơn mà chỉ động chạm đến lòng tự trọng, khiến em có cảm giác tổn thương về tâm lý.

Trước các kỳ thi, cha mẹ cần giúp con lên kế hoạch học tập hợp lý. Đồng thời, không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, điều này có thể tạo áp lực cho con.

Hãy luôn là bạn đồng hành của con! Các bậc cha mẹ cần quan tâm và hiểu những thay đổi, diễn biến tâm lý của các em ở mỗi lứa tuổi. Cần nhận diện sớm những bất ổn tâm lý để điều chỉnh kịp thời… Nhất là trẻ ở giai đoạn vị thành niên, đây là giai đoạn các em dễ bị rối loạn tâm lý.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 

.
.
.