Chàng trai đưa phở Việt xuất ngoại
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí ở Nhật Bản nhưng anh Trần Bảo Khánh quyết định về nước khởi nghiệp với phở Việt. Và chàng trai 29 tuổi đã thành công khi đưa món ẩm thực truyền thống này vào thị trường Nhật.
Anh Khánh kiểm tra khâu đóng gói phở Việt tại xưởng sản xuất Công ty CP K Products (772/43, đường 30/4, TP.Vũng Tàu). |
Lập công ty sản xuất phở Việt
Ở khu chế biến thức ăn Công ty CP K Products (772/43, đường 30/4, TP.Vũng Tàu), anh Khánh cùng các đầu bếp cẩn thận sơ chế từng củ hành tây, gừng, thảo quả, hoa hồi, rau mùi, thịt bò… Bếp đỏ lửa, nồi nước dùng đậm đà, dậy mùi thơm hương vị đặc trưng của phở Việt. Nghe hương vị tỏa ra, thực khách chỉ muốn thưởng thức ngay!
Ở các khu làm việc khác, những công nhân đang tất bật chiết rót thành phẩm phở vào túi, đưa vào máy tiệt trùng theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tốp công nhân khác luôn tay hoàn thiện sản phẩm với khâu đóng gói bao bì, chuẩn bị cho những lô hàng container xuất qua xứ sở hoa anh đào.
Anh Khánh tiết lộ, trung bình mỗi tháng, Công ty xuất khoảng 23.000 sản phẩm, gồm phở, nước dùng phở và bún bò, bún riêu cua, cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho tiêu sang Nhật.
-Tại sao tốt nghiệp ngành cơ khí, không liên quan đến nghề nấu nướng nhưng Khánh lại khởi nghiệp với món phở Việt? - “Đó là hành trình đầy trăn trở với hương vị các món ăn truyền thống Việt của một du học sinh ở Nhật Bản”, anh Khánh trải lòng.
Năm 2014, khi đang là năm nhất ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Khánh dành được học bổng du học ngành cơ khí tại Trường Đại học Shizuoka (Nhật Bản). Hai năm đầu xa quê hương, anh dồn sức vừa học vừa làm thêm ở một tiệm bán báo để trang trải cuộc sống. Từ 2 đến 6 giờ sáng, anh phải đi phát khoảng 300 tờ báo khắp các nẻo đường ở Kanagawa - một tỉnh miền Trung nước Nhật. “9 giờ, tôi đến trường học và từ 15-17 giờ chiều lại đi phát báo. Công việc cứ lặp lại liên tục ròng rã 2 năm trời. Những ngày trời mưa, tuyết rơi, công việc lại vất vả hơn”, anh Khánh kể. Nhưng nhờ vậy, chàng sinh viên rèn được bản lĩnh, sự chịu khó và trau dồi thông thạo tiếng Nhật.
Những năm tiếp theo ở Trường Đại học Shizuoka, anh luôn nỗ lực học tập, được Tập đoàn Mabuchi tặng học bổng, tài trợ 100% học phí; Công ty Suzuki tài trợ tiền sinh hoạt. Sau khi ra trường, anh Khánh tiếp tục làm việc cho một công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật.
Về nước năm 2021, anh và bạn lập Công ty CP K Products do anh Khánh làm Giám đốc tại TP.Vũng Tàu. Vốn mỏng, anh mời thêm 4 bạn 9X, cũng là du học sinh ở Nhật góp vốn, nhập máy móc từ Nhật Bản và thuê mặt bằng để sản xuất phở.
Công ty Công ty CP K Products có 19 sản phẩm, trong đó, phở bò, nước dùng phở bò, bún bò, bún riêu cua, cá kho làng Vũ Đại đã xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh thu xuất khẩu 1,2 tỷ đồng/tháng. Công ty CP K Products đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022. |
Lan tỏa hương vị Việt
Trở lại với lý do chọn phở Việt để khởi nghiệp, anh Khánh nói những năm ở Nhật, anh luôn thèm món ăn Việt, nhớ những hương vị thân thuộc ở quê nhà. Anh đến các cửa hàng, siêu thị để tìm phở Việt nhưng sản phẩm này ở Nhật chưa có. Một lần vào siêu thị, anh vui khi thấy phở được bày bán trên các kệ hàng. Mua về dùng thử, anh Khánh thấy mùi nước dùng gắt, gần giống hương vị của lẩu Thái. Anh bất ngờ và thất vọng vì tên là phở Việt nhưng lại được sản xuất ở Thái Lan.
Rồi những lần gặp gỡ, giao lưu giữa các du học sinh ở Nhật Bản, anh Khánh thấy không chỉ người Nhật mà sinh viên các nước cũng rất thích món phở Việt Nam. Và ý tưởng đưa những món ăn thuần Việt xuất khẩu đã nhen nhóm trong đầu anh. Thêm một lý do nữa là suốt quá trình học tập ở Nhật, anh luôn kiên định với mục tiêu: “Sang Nhật học được cái gì hay thì mang về để phát triển đất nước”.
Học ngành cơ khí, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại máy móc, công nghệ. Khi nắm được “chìa khóa” công nghệ, cùng với ý tưởng đưa phở Việt vào thị trường Nhật, anh lựa chọn khởi nghiệp với món ăn truyền thống này.
Khi bắt tay vào sản xuất, để vượt qua hàng loạt quy định ngặt nghèo về chất lượng, đặc biệt là an toàn thực phẩm ở đất nước mặt trời mọc là điều không dễ dàng. Anh cùng cộng sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị hiếu của khách cũng như các quy chuẩn trong sản xuất, kinh doanh ở Nhật. Họ lặn lội từ Nam ra Bắc đi tìm nguyên liệu sạch để chế biến. Sợi phở cũng được kỳ công tìm nguồn cung cấp chất lượng, là những sợi phở sạch, không biến đổi gen, phù hợp với yêu cầu khắt khe ở Nhật.
Rồi anh ứng dụng công nghệ đóng gói tiệt trùng - một trong những công nghệ tối ưu được các công ty ở Nhật dùng để sản xuất các đồ ăn đóng gói sẵn. “Nhật Bản luôn test hàng hóa nhập khẩu. Nếu đạt chuẩn mới được chào đón. Thị trường cực kỳ “kỹ tính” này cũng là một thách thức lớn với các nhà máy sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam”, anh Khánh nói.
Nhưng với sự tận tâm và trách nhiệm, anh cùng cộng sự chỉn chu từ khâu tìm nguyên liệu chất lượng, cách chế biến và đóng gói bảo đảm những quy định ngặt nghèo từ phía Nhật. Sản phẩm của Công ty CP K Products không sử dụng chất bảo quản, không đường hóa học, bảo đảm ngon, sạch.
Tháng 6/2022, lô hàng phở đầu tiên của công ty cập cảng xứ sở hoa anh đào. Sản phẩm thơm nức hương vị Việt được đối tác tin tưởng, khách hàng yêu thích. Và vừa qua, thêm những lô hàng mẫu được đối tác ở Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc đặt để đánh giá thị trường.
Anh Khánh và cộng sự đang xúc tiến xây dựng nhà máy rộng 2.000m2 tại Đà Nẵng, trị giá 1 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023.
Bài, ảnh: THI PHONG