Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Kỳ 1
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Bà Đào Thị Xinh trong ngôi nhà mới được tỉnh hỗ trợ xây dựng. |
Những ngôi nhà mơ ước
Chúng tôi về xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc đúng dịp xã tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Hòa Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Con đường từ trung tâm huyện đến xã trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang san sát.
Đi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc hồ hởi: Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 76,58 triệu đồng. Xã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, 100% người dân có nhà ở đạt chuẩn... Trong đó, 126 hộ DTTS đã không còn trong danh sách hộ nghèo. Riêng trong năm 2022 xã có 4 căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng cho đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 108)
Chị Tòng Thị Phúc (dân tộc Châu Ro ngụ tại ấp 5, xã Hòa Bình) là 1 trong 4 trường hợp được hỗ trợ 75 triệu đồng để xây dựng nhà ở xúc động chia sẻ: “Từ trước tới giờ chỉ ở nhà lá không à. Nhờ có nhà nước hỗ trợ mới xây nên được nhà kiên cố, không lo mưa nắng nên an tâm làm ăn, ổn định đời sống”.
Rời Xuyên Mộc, chúng tôi đến huyện Châu Đức. Con đường đến các vùng DTTS huyện Châu Đức rộng thênh thang, trải nhựa đến từng thôn, ấp… Cùng lãnh đạo TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức, chúng tôi đến thăm căn nhà mới được hoàn thiện của hộ bà Đào Thị Xinh (60 tuổi, dân tộc Châu Ro, KP. Vinh Thanh, TT. Ngãi Giao) đúng lúc bà Xinh đang chăm sóc hoa cảnh trồng trước hiên nhà. Bà Xinh vui mừng chia sẻ: “Tuổi già sống neo đơn nên được chính quyền hỗ trợ xây căn nhà mới, tôi vui lắm!”
Đồng bào dân tộc Châu Ro ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ vui ngày hội dân tộc năm 2023 tại Nhà văn hóa ấp Tân Thuận. |
Dẫn chúng tôi đến căn nhà mới hoàn thiện của bà Mê Thị Danh (72 tuổi, dân tộc Khmer, ấp Cầu Mới, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ), ông Lý A Nịp, cán bộ phụ trách dân tộc xã Sông Xoài cho biết, bà Danh được tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng để xây nhà ở. Đi một vòng quanh nhà, thấy bà Danh còn thiếu bộ bàn ghế, ông Nịp dự tính sẽ vận động nhà hảo tâm hỗ trợ bà Danh thêm bàn ghế mới.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, bà Danh tâm sự: “Hai vợ chồng bán vé số quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Con trai lớn làm thuê theo ngày nên không dư dả. Căn nhà lụp xụp, mưa xuống thấm trước dột sau. Được tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng xây nhà mới, niềm mơ ước bấy lâu nay của vợ chồng tôi đã được toại nguyện”.
Nỗ lực xóa nghèo
Những năm trước, huyện Xuyên Mộc là địa bàn thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào DTTS. Huyện có 24 thành phần dân tộc với 2.166 hộ/8.644 nhân khẩu, chiếm 6,09% dân số toàn huyện. Giai đoạn 2011-2015, huyện có 445 hộ nghèo DTTS.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh về chính sách giảm nghèo, kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây nhà, nhà vệ sinh, điện, nước, hỗ trợ cây con giống... đời sống bà con đã không ngừng được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Cần (thôn 1, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế từ chương trình của tỉnh. |
Đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 119 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Huyện phấn đấu cuối năm 2023 không còn hộ nghèo. Đây là minh chứng cho sự quan tâm sát sao của Đảng bộ chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị. Điều đó giúp đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.
Huyện Châu Đức đã triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ như chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, giới thiệu học nghề, mua thẻ BHYT, tặng học bổng với số tiền trên 80 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh trong đồng bào DTTS còn 95 hộ (4,38%), 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ sử dụng nước sạch, 99% có nhà bán kiên cố trở lên…
Song song với phát triển kinh tế, các huyện có đồng bào DTTS quan tâm phát triển đời sống văn hóa, hỗ trợ đồng bào gìn giữ văn hóa dân tộc. Huyện Châu Đức đã xây dựng dự án như Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Yangri và Yangva; Phục dựng, truyền dạy cách thức đánh cồng chiêng Châu Ro...
Bà Mê Thị Danh (72 tuổi, dân tộc Khmer, ấp xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) vui mừng được xây nhà ở mới theo chương trình hỗ trợ Nghị quyết 108 của HĐND tỉnh. |
Tại huyện Xuyên Mộc, 2 nhà truyền thống văn hóa dân tộc Châu Ro ở xã Bàu Lâm và Tân Lâm đã được đầu tư xây dựng. Huyện cũng từng bước khôi phục, tạo điều kiện để phát triển loại hình văn hóa cồng chiêng và đàn tính hát then của dân tộc Châu Ro, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách. Huyện Đất Đỏ cũng được xây dựng nhà sinh hoạt đồng bào dân tộc Châu Ro tại ấp Tân Thuận, xã Long Tân; duy trì và phát triển đội múa, hát với 36 thành viên, đội cồng chiêng với 10 cụ cao niên là nghệ nhân người Châu Ro do Tổ tự quản ấp Tân Thuận hướng dẫn và quản lý. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện cho xã Long Tân tổ chức Ngày hội văn hóa đồng bào dân tộc Châu Ro với chương trình giao lưu uống rượu cần, đốt lửa trại, nhảy sạp và thi đấu các môn thể thao dân tộc.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 38 thành phần DTTS với 8.957 hộ, 25.712 khẩu tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, TX.Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu. Ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 108/NQ-HĐND phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư hơn 634 tỷ đồng. |
(Còn nữa)
Bài, ảnh: AN NHIÊN